Điện Long An | |
---|---|
Điện Long An hiện tại (2015) - Nay là Bảo tàng mỹ thuật Cung đình Huế | |
Tên khác | cung Bảo Định |
Vị trí | trong kinh thành Huế |
Xây dựng | 1845 |
Đời vua | Thiệu Trị |
Phá hủy | 1885, phục dựng 1909 |
Tình trạng | còn nguyên vẹn |
Chức năng | Bảo tàng |
Dài | 35,70 m |
Điện Long An |
Điện Long An1 nằm trong tổng thể kiến trúc cung Bảo Ðịnh được vua Thiệu Trị cho xây dựng vào năm 1845 ở bờ bắc sông Ngự Hà (gần cầu Vĩnh Lợi phường Tây Lộc). Hiện nay, điện Long An nằm trên đường Lê Trực, phường Thuận Thành, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Là một di tích trong Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11/12/1993. Di tích này được xếp hạng cấp quốc gia theo Quyết định số 872QÐ/BVHTT ngày 12/5/1997.
Điện được xây dựng vào năm 1845, thời vua Thiệu Trị với tên gọi là Điện Long An trong cung Bảo Định, phường Tây Lộc (Huế) làm nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền (cày ruộng) mỗi đầu xuân. Đây cũng là nơi vua Thiệu Trị thường hay lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh.
Lịch sử
Điện được xây dựng vào năm 1845, thời vua Thiệu Trị với tên gọi là Điện Long An trong cung Bảo Định, phường Tây Lộc (Huế) làm nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền (cày ruộng) mỗi đầu xuân. Đây cũng là nơi vua Thiệu Trị thường hay lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh,... Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, đây cũng là nơi quàn thi hài của vua trong tám tháng, trước khi làm lễ Ninh lăng (đưa đi an táng). Ngoài nơi thờ chính thức trong Thế Miếu, bài vị của vua Thiệu Trị còn được đưa vào thờ tại điện Long An - nơi ông thường lui tới khi còn sống. Trong thời kỳ thất thủ kinh đô (1885), quân Pháp đã tràn vào ngôi điện, làm mất đi sự tôn nghiêm của một nơi thờ phụng. Vì thế, sau biến cố này, bài vị của vua Thiệu Trị được đưa vào thờ tại điện Phụng Tiên bên trong Đại Nội.2
Sở dĩ ngôi điện ở vị trí hiện nay (số 3 Lê Trực, Huế) trong khu vực Thành nội, vì năm 1885, sau trận đánh úp đồn Mang Cá của Pháp do Tôn Thất Thuyết chỉ huy bị thất bại, vua Hàm Nghi và tam cung chạy khỏi Hoàng Thành, ra Quảng Trị. Kinh thành Huế thất thủ, quân Pháp chiếm cung Bảo Định làm sở chỉ huy, lục soát thô bạo điện Long An và tiếp đó ngôi điện bị triệt hạ, vật dụng được xếp vào kho.
Cho đến năm 1909, đời vua Duy Tân, ngôi điện được chuyển ra vị trí mới hiện nay và phục dựng làm Tân Thơ Viện lưu giữ hàng ngàn tư liệu bằng chữ Hán, Pháp, Anh,... chủ yếu phục vụ cho học sinh trường Quốc Tử Giám.
Ngày 24/8/1923, Khâm Sứ Trung kỳ và vua Khải Ðịnh cùng ban sắc dùng Ðiện Long An làm Bảo tàng Khải Ðịnh.3
Hiện nay, điện Long An còn gọi là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, là nơi trưng bày cổ vật cung đình Huế.
Miêu tả
Ðiện Long An hình chữ nhật dài 35,70 m, rộng 28 m, vỉa ốp đá thanh nền cao 1,1 m. Diện tích phần mái rộng đến 1.750 m², nằm trên dàn trò được chống đỡ bằng hệ thống 128 cột gỗ lim. Ðây là tòa nhà kép "Trùng thiềm điệp ốc". Nhà trước 7 gian với 8 bộ "vì kèo chồng rường giả thủ". Nhà sau 5 gian với 6 bộ "vì kèo cánh ác". Điều khác biệt với các ngôi điện khác là những chi tiết gỗ không sơn son thếp vàng, chỉ để mộc trơn và được tô điểm bằng các kỹ thuật chạm trổ tinh xảo theo đồ án "lưỡng long triều nguyệt", "long, lân, quy, phượng". Các liên ba, đồ bản chạm khắc nhiều bài thơ là trước tác của vua Thiệu Trị, được bố trí sắp xếp hầu hết ở các khu vực bên trong ngôi điện một cách hài hòa.
Trong điện còn có hai bài thơ "Vũ trung sơn thủy" (Cảnh trong mưa) và "Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm" (Đêm thơ ở Phước Viên) hết sức đặc biệt được làm theo kiểu "hồi văn kiêm liên hoàn" gồm 56 chữ Hán, có thể đọc xuôi ngược nhiều chiều thành 64 bài thơ khác nhau mà việc giải mã những tác phẩm của vị vua thi sĩ này hiện nay các nhà thơ đương thời vẫn còn chưa tìm ra đáp án.
Năm 1913 (đời vua Duy Tân), Hội Đô Thành Hiếu Cổ được thành lập trên cơ sở sưu tầm những hiện vật liên quan đến tỉnh Thừa Thiên - Huế và những vấn đề văn hóa và mỹ thuật thời Nguyễn. Học hội đã đặt nền móng ban đầu cho việc sưu tập và tàng trữ cổ vật cho bảo tàng này. Hội cũng ấn hành tập san riêng có tên Bulletin des Amis du Vieux Hué (tập san của Hội Đô Thành Hiếu Cổ, gọi tắt là B.A.V.H.) và lấy một góc của Tân Thơ Viện làm trụ sở. Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo tàng Khải Định, gìn giữ và trưng bày những hiện vật do những hội viên của Hội Đô Thành Hiếu Cổ sưu tầm được.
Đến năm 1945, số hiện vật đã lên đến hàng ngàn đơn vị, gồm các sưu tập đồ đồng, đồ gốm sứ, tranh vẽ trên kính, tranh dệt trên song mây, tranh bằng gỗ sơn, sưu tập cổ thư bằng đồng, bằng lụa, trang phục hoàng gia, các loại đồ dệt và đồ ngự dụng, quan dụng, của triều đình, cung cấm,...
Ngoài ra, còn có một bộ sưu tập hiện vật điêu khắc Chăm niên đại rất sớm. Phần lớn là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác từ những nghệ nhân có "bàn tay vàng" được làm ra theo lệnh của triều đình, cho sản xuất tại chỗ, đặt mua từ ngoại quốc, hàng do các phái bộ ngoại giao biếu tặng, hoặc hàng tiến vua... thuộc hàng quý hiếm không tìm được cái thứ hai.
Nhiều trong số đó là những mặt hàng chỉ có một bản. Có những vật dụng hiện được trưng bày như những bộ Đầu hồ - một bộ đồ trò chơi ngày xưa trong cung điện dành cho vua chúa và giới thượng lưu.
Giá trị
Trang trí nội ngoại thất của điện phong phú, giàu tính nghệ thuật, lộng lẫy và thanh nhã, khéo léo điểm sáng những chi tiết chính, tô mờ những chỗ phụ là một công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách kiến trúc Nguyễn. Các sưu tập ở đây phong phú và đa dạng, phần lớn tập trung vào mảng đề tài mỹ thuật thời Nguyễn (1802-1945), gồm sưu tập y phục của hoàng gia, sưu tập đồ sứ, các đồ dùng trong sinh hoạt nơi cung cấm, những bộ tranh vẽ trên gương có tuổi thọ trên 150 năm, những bộ nhạc khí dùng trong các cuộc lễ hội chốn cung đình... Có lẽ, đây là bảo tàng duy nhất của Việt Nam hiện có một số lượng hiện vật khổng lồ của thời Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Điện chứa đựng một bộ sưu tập khá phong phú và quý hiếm bởi số hiện vật được trưng bày tại đây.Có những cổ vật chỉ còn duy nhất một bản và một số cổ vật thuộc hàng "độc" như đầu hồ gắn liền với một trò chơi đã lui vào quá khứ. Các cổ vật kia là những bức tranh phản ánh sinh hoạt cung đình, các quá trình lịch sử cùng những dấu ấn văn hoá, kỹ thuật chế tác tinh vi và tài hoa của nghệ nhân xưa.
Nhưng do nhiều biến cố của đất nước (từ 1845 - 1975), sự huỷ hoại của thời gian, chiến tranh,... và sự thất thoát do lòng tham của con người, số cổ vật tại đây không còn nguyên vẹn như xưa. Hiện vật bị trôi nổi, đánh cắp do chiến tranh, mua bán cổ vật, trong đó có một số cổ vật hiện nay đang nằm tại một số bảo tàng của Pháp. Hiện nay Trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế đang ra sức phục dựng, bổ sung, phục chế, gìn giữ chăm sóc cẩn thận, chu đáo để phục vụ khách khách tham quan.
Tình trạng
Được xem là bảo tàng duy nhất có số lượng hiện vật khổng lồ của một triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam và là một trong những tòa nhà đẹp nhất của các cung điện Việt Nam.Thế nhưng trong khi khu vực đại nội và các lăng tẩm, chùa chiền và cảnh quan sông nước ở Huế đón một lượng khách khá đông đúc, thì ngược lại số du khách đến với Điện Long An - nay là Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế - có vẻ thưa thớt. Nguyên nhân do dưới những tác động của nhiều biến cố xã hội và sự thay đổi của thời tiết khắc nghiệt, điện Long An hiện đang bị xuống cấp trầm trọng.
Quá trình trùng tu
Việc tiến hành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi điện Long An là một trong nhiều nỗ lực của Trung tâm Bảo tàng di tích cố đô Huế trong việc gìn giữ di sản văn hóa Huế, ứng dụng và phát huy thế mạnh về khoa học trùng tu di tích. Với tổng mức đầu tư 15.336 triệu đồng, dự kiến việc tu bổ, phục hồi sẽ được hoàn tất vào giữa năm 2010.
Xem thêm
- Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế
Tham khảo
- ^ Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và Điện Long An là một.
- ^ “Điện Long An”. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. 29 tháng 7 năm 2014.
- ^ “Bảo tàng Cổ vật Cung Đình Huế (Điện Long An)”. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. 16 tháng 1 năm 2014.
- Bài viết dựa trên bài Điện Long An của trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế
- Hồ sơ di tích, phòng tư liệu của trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế - sách của Thư Viện Tỉnh Thừa Thiên Huế - Xuất bản năm 2003.
- Quốc Sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, bản dịch Viện Sử học, H.: Nhà xuất bản. Giáo dục: 48.
- Huế di tích lịch sử văn hoá danh thắng - Nhà xuất bản Thừa Thiên Huế - xuấn bản năm 1995.
- Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế - Nhà xuất bản Thừa Thiên Huế - xuất bản năm 1997.
(Nguồn: Wikipedia)