Trịnh Nghị Tổ
Trịnh Doanh
鄭楹
Chúa Trịnh (chi tiết...)
Trịnh Doanh.png
Chân dung Trịnh Doanh trong Trịnh gia chính phả
Nguyên soái Tổng quốc chính Minh Đô Vương
Tại vị 1740 – 1767
Tiền nhiệm Trịnh Giang
Thời kỳ
  • Lê Ý Tông (1735 - 1740)
  • Lê Hiển Tông (1740 - 1786)
Kế nhiệm Trịnh Sâm
Thông tin chung
Thê thiếp Nguyễn Thị Ngọc Diễm
Hậu duệ
Tước hiệu Tiết chế quân thủy, quân bộ các xứ, Thái úy, Ân quốc công (1735); Nguyên soái, tổng quốc chính, Minh Đô vương (1740); Thượng sư Thượng phụ Anh Đoán Văn Trị Võ Công Minh Vương (1755)
Thụy hiệu Ân Vương (恩王)
Miếu hiệu Nghị Tổ (毅祖)
Thân phụ Trịnh Cương
Thân mẫu Vũ Thị Ngọc Nguyên
Sinh 1720
Mất 1767 (46–47 tuổi)
Đông Kinh, Đàng Ngoài, Đại Việt

Minh Đô vương Trịnh Doanh (chữ Hán: 鄭楹, 1720 – 1767), thụy hiệu Nghị Tổ Ân vương (毅祖恩王), là vị chúa Trịnh thứ 7 thời Lê Trung hưng nước Đại Việt, ở ngôi từ năm 1740 đến 1767.

Trịnh Doanh là con trai thứ ba của An Đô vương Trịnh Cương và là em trai của Uy Nam vương Trịnh Giang. Từ khi còn trẻ ông đã sớm bộc lộ là người có vǎn tài võ lược, được Trịnh Giang rất tin tưởng. Năm 1740, do Trịnh Giang bỏ bê việc nước, bà thái phi họ Vũ (mẹ của Trịnh Giang và Trịnh Doanh) đã cùng nhóm đại thần Nguyễn Quý Cảnh tôn lập Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang.

Trong thời gian cai trị, Trịnh Doanh chú tâm vào việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy của nông dân trong nước, và trong vòng 10 năm thì tình hình cơ bản đã tạm yên. Ngoài ra ông cũng cố gắng đưa ra một số biện pháp cải cách để chấn hưng đất nước và xoa dịu sự bất bình của nhân dân, song không thể cứu vãn sự suy thoái của chính quyền Lê-Trịnh. Ông qua đời vào năm 1767 và ngôi chúa được truyền cho người con trai trưởng là Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm.

Thân thế và cuộc sống ban đầu

Trịnh Doanh chào đời vào năm 1720 dưới triều Lê Dụ Tông. Ông là người con trai thứ ba của An Đô vương Trịnh Cương, vị chúa Trịnh thứ sáu, mẫu thân là thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên. Năm 1729, Trịnh Cương qua đời, Trịnh Giang lên nối ngôi. Sau khi làm chúa, Trịnh Giang làm việc đại nghịch là giết vua, lại hãm hại nhiều đại thần dưới thời cha mình, rồi sa vào tửu sắc, trọng dụng nhóm hoạn quan Hoàng Công Phụ lũng đoạn triều chính; khiến nhân dân thống khổ, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi.

Để có nhiều thời gian ăn chơi, vào năm 1735, Trịnh Giang phong cho Trịnh Doanh làm Tiết chế quân thủy, quân bộ các xứ, chức Thái úy, tước Ân quốc công, mở phủ Lượng quốc. Trịnh Doanh mỗi tháng ba lần tiếp kiến trăm quan ở trạch các, để nghe trình bày công việc. Tuy nhiên Trịnh Doanh bị Hoàng Công Phụ hiếp chế nhưng cũng không nắm được thực quyền. Do đó đất nước ngày càng đi xuống, nạn đói nổ ra khắp nơi. Sách Đại Việt Sử ký Tục biên dẫn lại tình cảnh đất nước lúc đó (1741)

Dân đói dắt nhau đi xin ăn đầy đường. Giá gạo tăng vọt, một trăm quan tiền không đổi lấy bữa no. Dân phần nhiều ăn khoai, đến nỗi có cả người ăn thịt rắn, thịt chuột cho qua ngày. Bệnh tật cả phát, xác chết chồng lên nhau, xương trắng đầy đồng. Số người sống sót không đến một phần mười, khói bếp tiêu điều lạnh lẽo; những nơi sầm uất hóa ra gò đống.

Chính vì tình cảnh đó, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, ban đầu chỉ là lẻ tẻ, nhưng về sau phát triển rộng khắp, lôi kéo hàng ngàn, hàng vạn người tham gia như cuộc khởi nghĩa Nguyễn Đương Hưng, Nguyễn Tuyển - Nguyển Cừ, Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu...

Chính biến năm 1740

Trịnh Giang sắc dục quá độ, mắc chứng bệnh kinh quý, sợ sấm sét. Hoạn quan Hoàng Công Phụ bèn đào đất làm cung Thưởng Trì dưới hầm cho Trịnh Giang ở, từ đấy chúa không bước chân ra ngoài, Công Phụ cùng đồ đảng chuyên chính lộng quyền. Chính sự trái ngược, thuế khóa nặng nề, mất lòng dân.

Trước tình hình đó, vào đầu năm 1740, bà Trịnh thái phi Vũ thị đề nghị Bồi tụng Hữu tư giảng Nguyễn Quý Cảnh khuyên Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang. Trịnh Doanh từ chối, Quý Cảnh đem việc ấy nói với các đại thần, họ đều đồng tình1 .

Quý Cảnh nhân lúc Hoàng Công Phụ đã đem quân đánh Nguyển Tuyển, bèn họp các quan phò lập Trịnh Doanh lên làm chúa1 . Theo sắp đặt, Trịnh Doanh nhận sắc văn và dụ làm chúa của Tào Thái hậu đưa đến. Các hoạn quan cùng phe Công Phụ được tin, vội tập hợp lực lượng đánh Quý Cảnh và tôn Trịnh Giang làm chúa như cũ, nhưng bị hương binh của Quý Cảnh đánh bại, giết sạch. Trịnh Doanh tự tiến phong Nguyên soái, tổng quốc chính, Minh Đô vương, tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương1 .

Các chính sách mới

Sau khi lên ngôi, Trịnh Doanh ban hành một số chính sách mới

  1. Bỏ giám ban mà Trịnh Giang đặt ra, khôi phục hai ban văn vũ theo chế độ cũ, để triều đình được nghiêm trọng;
  2. Ba năm xét công trạng các quan một lần, để phân biệt người tốt, người xấu;
  3. Lục dụng người không mắc tội mà phải giáng truất, để cất nhắc người có tài mà bị chìm đắm;
  4. Nghiêm ngặt đối với những đơn xin chức tước hoặc bảo toàn tính mệnh, để con đường làm quan được trong sạch;
  5. Tăng thêm khẩu phần ruộng, để binh lính đủ lương ăn;
  6. Rộng xá thuế tô, thuế dung, để cứu chữa sự đau khổ cho dân;
  7. Đình chỉ tất cả công việc xây dựng, để sức lực của dân được thư thả;
  8. Triệt bỏ các sở tuần ti, bến đò đặt trái phép, để tỏ rõ chính thể khoan hồng;
  9. Cấm chỉ sự ức hiếp và lối đặt tiền trước để mua hàng;
  10. Định lệnh thưởng và phạt tướng sĩ có công hoặc có tội, ra ân rộng rãi cho quân sĩ đã chết vẫn được hưởng miễn trừ;
  11. Định rõ việc khiếu tố các viên quan cai quản làm việc hà khắc nhũng lạm;
  12. Đê đường giao cho viên quan ở trấn đốc thúc sửa đắp, để việc làm ruộng được thuận tiện;
  13. Tiền của cải giao về bộ Hộ giữ gìn quản trị, để việc chi dùng trong nước được đầy đủ;
  14. Các việc kiện tụng, cấm dâng tờ khải khiếu tố càn rỡ;
  15. Miễn tô ruộng cho hai xứ Thanh, Nghệ.

Điều lệnh ban ra, trong ngoài đều mừng rỡ. Trịnh Doanh còn hạ lệnh cho Nguyễn Đình Hoàn đem quân bảo vệ cung Thưởng Trì bắt giết đồ đảng thân tín của Hoàng Công Phụ. Công Phụ còn đóng quân ở Vân Giang, hay tin vội bỏ trốn1 . Trịnh Doanh lại ban thêm các chính sách khoan hồng

  1. Quan hoặc quân để mất đồ vật công chưa đền, nếu là do thất quản thì miễn tội, nếu nhân việc ấy mà luận tội phạt phải bồi thường thì được khất;
  2. Truy phục quan tước cho Lê Anh Tuấn, Đỗ Bá Phẩm, Nguyễn Thọ Trường;
  3. Bầy tôi can tội lây mà phải giáng truất, nay đều được tẩy rửa tội lỗi và lại được vào chầu chực, như bọn Đào Hoàng Thực, Vũ Công Trấn, Lê Trọng Thứ, Lê Vĩ,...
  4. Con cháu công thần bị lưu lạc dân gian và hàng ngũ quân lính đều xét theo tài năng rồi bổ dụng. Do đấy, người có tài mà bị chìm đắm không ai là không có lòng phấn khởi.

Trịnh Doanh quan tâm đến việc thu phục lòng dân. Biết dân vẫn bất bình việc Trịnh Giang bỏ trưởng lập thứ, vào mùa hạ năm 1740, Trịnh Doanh ép Lê Ý Tông phải truyền ngôi cho con trưởng của Lê Thuần Tông là Duy Diêu, tức là Lê Hiển Tông. Ý Tông lên làm thượng hoàng, ra ở điện Kiến Thọ1 . Sang năm sau, chúa cấm thu các thứ tiền án phí và không được tịch biên đồ làm ruộng và trâu bò của dân. Năm 1746, ông cho lập lại thuế muối đã hủy bỏ thời Trịnh Giang, để có thêm tiền đánh dẹp các cuộc nổi loạn, cứ 50 mẫu ruộng muối thì nộp 10 hộc muối, tương đương 30 tiền.

Trong sách Tứ bình thực lục, sử quan Đại Việt thời Lê ghi nhận:2

"Năm Canh Thân (1740), Chúa đã coi giữ muôn việc, sốt sắng làm việc chính trị, mạnh dạn sửa chính sự, dẹp giặc cướp, cắt đặt và sử dụng người ngay người tốt, dung nạp người thẳng thắn, trấn áp kẻ lộng quyền, truất kẻ tham tàn, bớt lao dịch, khoan nhẹ sưu thuế, tiếng nhân từ bay xa khắp. Chính sự triều đình nghiêm trang, trong khoảng mười ngày, khí tượng rực rỡ tươi mới."

Đánh dẹp khởi nghĩa

Bấy giờ từ miền núi, miền biên viễn cho tới bốn trấn bên trong, đâu đâu cũng phát sinh lực lượng nổi dậy. Để đối phó, Trịnh Doanh đề ra các chính sách tuyển thêm ưu binh từ hai xứ Thanh, Nghệ là quê hương của vua Lê và chúa Trịnh. Theo lệ này thì cứ ba suất đinh thì lấy một lính. Lại hạ lệnh cho các trấn ngoài nếu dâng nộp o diên, diêm tiêu, lưu hoàng, sẽ miễn cho việc đánh thuế mỏ và miễn tiền thuế dung, thuế điệu của dân đinh trong khi vực mà người phiên mục ấy cai quản. Những khách buôn ở các cửa hàng trong kinh kỳ và phố Lai Triều, nếu người nào tình nguyện dâng nộp để xin thưởng chức sắc, sẽ thưởng cho theo như thể lệ người nộp thóc hoặc nộp tiền; nếu người nào không muốn lấy chức sắc thì trả lại bằng tiền; người nào ẩn giấu sẽ phải tội1 .

Ngay sau khi mới lên ngôi, Trịnh Doanh cử Trịnh Kính đánh dẹp Sơn Nam song bị Hoàng Công Chất đẩy lui. Ông lại sai Trần Đình Miên, Nguyễn Bá Lân đánh Sơn Tây, Lê Duy Mật phải lui về Thượng Đạo. Lúc đó quân Ngân Già3 của Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao uy hiếp phố Chân Ninh thanh thế rất lừng lẫy, giết Đốc lãnh Hoàng Kim Trảo. Tháng 2 ÂL, tù trưởng trấn Lạng Sơn Toản Cơ nổi dậy, đánh phá Đoàn Thành, giết Tổng phủ Ngô Đình Thạc. Thống lĩnh Bắc đạo Nguyễn Trọng Uông giao chiến với Nguyển Tuyển ở xã Bình Ngô4 , nhưng thua trận bị giết, triều đình cử con là Đức Thân lên thay1 .

Bấy giờ có cuộc khởi nghĩa của hai thủ lĩnh Tế và Bồng ở Sơn Tây. Trịnh Doanh sai quận Thể Vũ Tá Lý đánh dẹp, giết được hai người. Thủ hạ của Tế là Nguyễn Danh Phương lui quân về Tam Đảo, tiếp tục chiếm đóng vùng này, làm thành lũy, chiêu mộ binh lính, vơ vét lương ăn, chứa khí giới, họp đồ đảng, ẩn náu nơi núi rừng. Trịnh Doanh vì còn Nguyễn Tuyển và Hoàng Công Chất ở vùng đông nam nên tạm không lo đến Tam Đảo.

Mùa hạ tháng 5 ÂL năm 1740, Nguyễn Tuyển ngày càng lớn mạnh. Trịnh Doanh hạ lệnh thu nhặt hết chuông khánh ở các chùa thờ Phật để đúc vũ khí, khiến nhiều công trình có giá trị của dân tộc bị phá hủy.

Mùa đông tháng 10 ÂL năm 1740, Trịnh Doanh đích thân dẫn quân đánh Ngân Già (huyện Nam Chân, nay thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Khi đó quân khởi nghĩa không có chỗ ở cố định, chỉ dựa vào nơi bùn lầy làm hiểm trở, gặp quân triều đình thì vác dao xông vào chém bừa bãi, các tướng nhiều lần bị thua. Tháng 11 ÂL, quân tiến đến đóng tại xã Vũ Điện, sau kéo đến Hiến Doanh, chia các tướng thành từng bộ phận, hẹn ngày đều tiến quân. Sáng sớm xuất phát từ Hiến Doanh, chiều đến sông Vị Hoàng, sáng sớm hôm sau đến Lục Đạo. Đình Dung đem hết quân ra đánh để kháng cự. Doanh sai Đinh Văn Giai, Nguyễn Đình Hoàn, Vũ Tất Thận và Trương Khuông đốc suất quân các doanh ra đánh. Quân Trịnh bị một lần phục binh; Trịnh Doanh giận lắm bèn thúc voi mà tiến. Ở đó bốn mặt bùn lầy, nên quân khởi nghĩa chủ quan. Ai ngờ lúc đó đã vào mùa khô, bùn lầy trở nên khô ráo, Trịnh Doanh bèn thúc quân đánh kẹp vào; quân khởi nghĩa tan vỡ, toàn xã Ngân Già biến thành vũng máu, thây người chết chồng chất lên nhau1 . Cuộc khởi nghĩa Ngân Già bị dẹp.

Nhân lúc Trịnh Doanh đánh Ngân Già, cả thành Thăng Long bỏ trống, quân Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở Ninh Xá tiến thẳng quân sát bến Bồ Đề, uy hiếp kinh đô. Thái phi sai Trịnh Đạc giữ các cửa thành, Phạm Kinh Vĩ, Nguyễn Bá Quýnh đem hết dân cư ngoài thành ra bến sông làm nghi binh. Tướng Đặng Đình Mật đưa quân ra đón đánh nhưng bại trận phải lui về. Quận Diệu Trần Cảnh cùng Bàng Thọ hầu nghe tin bèn đưa quân đánh vào mặt sau của quân khởi nghĩa; Trịnh Doanh được tin cũng lập tức quay về Thăng Long. Khi về tới Kim Lan5 thì Nguyển Tuyển đã phải lui quân6 .

Trước việc quân khởi nghĩa còn mạnh, vào đầu năm 1741, Trịnh Doanh chia Sơn Nam làm thượng lộ và hạ lộ. Sơn Nam cùng Sơn Tây và Kinh Bắc đều đặt chức chưởng đốc. Không lâu sau, Nguyễn Cừ và cháu là Nguyễn Diên bị đánh bại.

Lúc đó các hoàng thân triều Lê do Lê Duy Mật đứng đầu nổi lên. Tháng 9 ÂL, Duy Mật lĩnh quân theo đường An Hóa7 , Phụng Hóa thuộc Thiên Quang, vượt Mĩ Lương và Minh Nghĩa kéo ra sông Đà, sông Thao. Trịnh Doanh sai Đặng Đình Mật đến Thanh Hóa, đốc các đạo An Sơn, Mĩ Lương và Chương Đức tiến đánh. Đình Mật bất ngờ đánh úp, phá được quân Duy Mật. Duy Mật rút quân giữ huyện Văn Lãng thuộc Thái Nguyên, sau lại trở về Thanh Hoa dựng doanh lũy ở xã Ngọc Lâu8 , xưng hiệu là Thiên Nam đế tử.

Bấy giờ vẫn còn Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật. Trịnh Doanh hạ lệnh các quân lính phải phân phối đi đánh phá càn quét các quan giữ chính quyền trong phủ xin tạm kén dân các huyện gần kinh kỳ, cứ 5 suất đinh kén lấy một người làm hương binh, tha dao dịch cho họ, duyệt tập theo như phép lính chính thức. Ông hạ lệnh cho Tất Thận và Quý Cảnh chia nhau quản lãnh, phân phối hương binh đóng ở ngoài kinh thành, để phòng bị việc bắt trắc xảy ra.

Năm 1743, sau khi Nguyễn Cừ chết, con rể là quận He Nguyễn Hữu Cầu tập hợp lại lực lượng, chiếm Đồ Sơn làm căn cứ, đánh phá xã Lão Phong, tướng Trịnh Bảng đem quân đánh, bị thua chết. Hữu Cầu thế lực ngày càng lớn6 . Trịnh Doanh dùng Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng chống lại Cầu. Có thể nói cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào nông dân khởi nghĩa ở Đàng Ngoài. Trong 8 năm khởi nghĩa, quân của quận He đã tung hoành khắp đồng bằng Bắc Bộ, hai lần tấn công Kinh Bắc, uy hiếp Thăng Long (1744 và 1748). Tuy nhiên về sau trước sự tấn công của quân triều đình, thế lực của ông ngày càng suy yếu..

Năm 1746, Nguyễn Hữu Cầu vì thua trận liên tục nên giả cách xin hàng triều đình. Trịnh Doanh chấp thuận và đòi Hữu Cầu về kinh sư, đồng thời dụ bảo Đình Trọng hoãn lại đừng đánh Hữu Cầu vội. Nhưng Đình Trọng vì mối tư thù với Nguyễn Hữu Cầu nên không chịu lui; rồi nhân lúc bất ngờ mà đánh úp, thắng một trận lớn khiến Hữu Cầu phải bỏ chạy. Tham tụng Đỗ Thế Giai nhận của đút của Cầu, nên gièm pha với chúa về Trọng. Chúa không theo và làm một bài thơ để yên ủi ông ta.

Năm 1748, Nguyễn Hữu Cầu sau mấy trận thua liên tiếp, nhân lúc quân triều đình sơ hở, kéo quân đến bến Bồ Đề, uy hiếp Thăng Long. Trịnh Doanh biết tin, tự đem quân ra giữ bến Nam Tân. Phạm Đình Trọng cũng được tin ấy lập tức đem quân đánh mặt sau, Hữu Cầu thua trốn thoát, lại liên kết với Hoàng Công Chất quấy phá các vùng, tuy nhiên cuối cùng bị đánh bại, Nguyễn Hữu Cầu chạy vào Nghệ An còn Hoàng Công Chất chạy vào Thanh Hoa.

Năm 1751, Nguyễn Hữu Cầu lại bại trận, cuối cùng bị Phạm Đình Trọng bắt sống. Vì tình hình đông nam đã tạm yên, nên chúa rút Ngũ Phúc và Đàm Xuân Vực về, chuyển lên vùng Kinh Bắc, cùng đô đốc Bùi Thế Đạt tiếp ứng lẫn nhau, sau đó cử Đinh Văn Giai trấn thủ Sơn Tây.

Năm 1749, quận Hẻo Nguyễn Danh Phương từ Bạch Hạc đến cướp xã Cổ Đô huyện Tiên Phong. Trịnh Doanh hạ lệnh cho Nguyễn Phan cùng Bùi Trọng Huyến đi đánh9 . Quận Hẻo thường xuyên đánh phá các vùng xung quanh khiến quân Trịnh chống đỡ vô cùng vất vả. Đến cuối năm 1750, Trịnh Doanh tự đốc suất đại quân đánh Nguyễn Danh Phương, hạ lệnh cho Hoàng Ngũ Phúc và Đỗ Thế Giai định 37 điều quân lệnh, chia binh sĩ làm bốn đạo quân, bổ dụng Hoàng Ngũ Phúc tạm trông coi việc quân10 .

Trịnh Doanh nhân lúc đêm tối đánh đồn Ức Kỳ rồi lại đánh sang Hương Canh. Hai bên giằng co rất lâu chưa phân thắng bại. Trịnh Doanh đưa kiếm cho tì tướng Nguyễn Phan, bảo rằng, hạ lệnh phải thắng bằng được, nếu không phải xử theo quân pháp10 . Phan ra sức đốc thúc tướng sĩ, cố sức đánh, phá tan được. Danh Phương thu nhặt số quân còn sót lại giữ đại đồn Ngọc Bội. Trịnh Doanh lại sai Nguyễn Phan tiến đánh. Quân quận Hẻo vỡ tan tành, Danh Phương đốt doanh lũy, rồi nhân đêm chạy trốn. Quan quân đuổi theo, bắt được Danh Phương ở xã Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch10 . Đó là tháng 2 ÂL năm 1751.

Giữa lúc đó thì chiếc cũi chở Nguyễn Hữu Cầu cũng đã đến. Trịnh Doanh mở tiệc mừng công ở xã Xuân Hi11 để thưởng tướng sĩ; lại bày trò vui bắt Cầu thổi sáo, Phương rót rượu10 , tam quân xúm quanh lại xem, tiếng vui mừng nổi lên như sấm, bèn kéo quân về kinh sư. Sau đó Nguyễn Hữu Cầu bị chém cùng một lúc với Nguyễn Danh Phương.

Thế là hai vị tướng tiêu biểu trong khởi nghĩa nông dân đã bị giết hại; chỉ còn lại Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật, thế lực suy yếu hơn trước.

Xây dựng đất nước

Tháng 3 ÂL năm 1742, Trịnh Doanh giả mệnh vua nhà Lê, tự phong làm Đại nguyên soái, tổng quốc chính, Thượng sư, Minh vương. Trịnh Doanh cho đặt cái ống bằng đồng ở cửa phủ, hạ lệnh cho người có việc hoặc người bị oan ức làm tờ tố cáo bỏ vào trong ống, cứ 5 ngày người có trách nhiệm đem ống ấy tiến trình. Lúc ấy, nhiều người có thư tố cáo quan lại tham nhũng nhưng phần nhiều không có chứng cứ. Rốt cục Trịnh Doanh theo lời Tả chính ngôn Lê Trọng Thứ, bỏ cái ống ấy đi6 .

Khi đó Trịnh Doanh đang hăng hái về công việc chính trị, hạ lệnh đặt chuông và mõ ở cái điếm về cửa phía tả phủ đường. Có người nào trình bày công việc hiện thời và người nào có tài nghệ mà tự mình tiến cử, thì đánh chuông; người nào bị các nhà quyền quý ức hiếp và người nào có sự oan uổng chưa được bày tỏ, thì đánh mõ. Những người này đều phải làm đủ giấy tờ niêm phong kín. Lại phiên lập tức dâng lên để chúa biết. Lại vì từ những năm Bảo Thái, việc thi cử đã chẳng ra gì, số người đỗ do thực học chẳng bao nhiêu; nên Doanh bỏ phép thi "tứ trường", cho khôi phục lại phép thi "sảo thông", lại cho phúc khảo cống sĩ; nhưng vì thời buổi loạn lại nên chỉ loại bớt có 2, 3 phần mười mà thôi9 .

Năm 1749, Trịnh Doanh sai Lê Quý Đôn biên soạn Đại Việt thông sử, gồm ba quyển, chép việc đời Lê Thái Tổ và đời nhà Mạc12 . Sau đó lại cử Ngô Thì Sĩ soạn Việt sử tiêu án, đính chính một số sai lầm trong Lê sử.

Đầu năm 1750, khi bạo loạn trong nước vẫn chưa dẹp yến, chúa ban bố 12 điều hiểu thị trong kinh ngoài trấn

  1. Viên đại thần vào hạng thân thích, hạng có công, tâu bày công việc, làm tờ niêm phong kín dâng nộp.
  2. Viên chưởng phủ và tham tụng tùy từng việc mà dâng điều hay, ngăn điều dở.
  3. Viên thống lãnh các đạo quân phải xếp đặt công việc kỷ càng cho hợp lẽ phải.
  4. Viên ngự sử khi đàn hặc đứng đối diện với hàng nghi trượng.
  5. Cấm nhà quyền thế ức hiếp người khác.
  6. Viên thiêm sai khám xét kiện tụng phải theo lẽ công bằng.
  7. Viên nội sai chi ra thu vào phải rõ ràng cẩn thận.
  8. Trăm quan phải kính cẩn làm đầy đủ chức phận.
  9. Binh lính phải có kỷ luật, không được sinh lòng kiêu căng, lười biếng.
  10. Dân phải theo lệnh trên, các hào mục trong làng không được quấy nhiễu dân.
  11. Cấm sở tuần ti đánh thuế trái pháp.
  12. Răn cấm lại dịch tiết lậu việc quan hoặc lười biếng bỏ việc.

Lại vì việc binh cần nhiều vàng bạc, nên nhân cuối năm 1750 có khoa thi Hương, chúa hạ lệnh cho mỗi người nộp ba quan tiền, sẽ miễn phải khảo hạch và đều cho đi thi, gọi là "tiền thông kinh". Do đó "người làm ruộng, người buôn bán, tên đồ tể đều hớn hở nộp quyển đi thi. Ngày vào trường thi, học trò giày xéo lẫn lên nhau đến nỗi có người chết. Trong trường thi thì kẻ mang sách, kẻ mướn người làm bài hộ một cách công khai, quan trường cùng người gian trá khác chi các chợ. Phép thi như thế, thực không có gì thối nát hơn nữa"10 .

Tháng 6 năm 1751, chúa chấn chỉnh chức trách các viên quan giữ việc chính trị bèn hạ lệnh cho tham tụng Nhữ Đình Toản châm chước điển lệ các triều, xếp đặt quan chức phẩm trật thành từng loại, gọi là "Tấn thân thực lục". Lại ban hành 9 điều nói rõ chức trách công việc các quan trong kinh, ngoài trấn:

  1. Giúp đỡ vua làm cho bụng nghĩ của vua được ngay thẳng.
  2. Phân biệt, kén chọn quan lại.
  3. Bàn định chính sách đối với dân.
  4. Định kỷ luật quân ngũ.
  5. Xếp đặt việc chi dùng trong nước.
  6. Sách tỏ về thể lệ kiện tụng.
  7. Bàn định việc tính toán chi thu.
  8. Việc thưởng, việc phạt phải cho đúng lẽ.
  9. Hiệu lệnh phải tin thật.10

Từ sau các cuộc nổi dậy nông dân, dân ở các nơi bị điêu tàn, các huyện Chương Đức, Mĩ Lương, Yên Sơn và Thạch Thất bị phiêu tán nhiều hơn cả; nên vào năm 1752, triều đình bèn sai sứ thần chia nhau đi yên ủi chiêu tập nhân dân. Năm sau, vì binh lửa đã tạm lắng nên giảm số đinh cho phủ Kinh Môn và Nam Sách thuộc Hải Dương; lấy quân lính đi đánh giặc đã được rút về, phân phối đi cày cấy ở các lộ, tích trữ thóc lúa, để việc phòng bị nơi biên giới được đầy đủ. Bấy giờ Trần Cảnh bị bãi chức, Trịnh Doanh lại triệu Nguyễn Công Thái đã trí sĩ về giữ chức Tham tụng. Công Thái xin bỏ thể lệ nộp "tiền thông kinh" khoa thi hương, Trịnh Doanh y cho10 . Tháng 12 ÂL năm 1753, Trịnh Doanh lập con là Trịnh Sâm làm Thế tử, có Nguyễn Công Thái giữ chức sư phó giảng dạy cho Trịnh Sâm. Năm 1754, quận Hải Phạm Đình Trọng mất. Bấy giờ Đình Trọng tuy phục vụ cho chính quyền họ Trịnh nhưng tấm lòng của ông vẫn hướng về vua Lê. Lại có tham tụng Đỗ Thế Giai trước kia nhận của đút của Nguyễn Hữu Cầu, nhiều lần muốn nghị hòa và bị Đình Trọng ngăn trở, nên sinh ra ghen ghét. Thế Giai bèn bí mật tố cáo với Trịnh Doanh rằng Hải quận công có ý đồ ủng hộ nhà vua lấy lại binh quyền, rồi đưa thuốc độc đến buộc ông phải uống.

Tháng 6 năm đó, Trịnh Doanh lấy cớ rằng trong nước mới bình yên, bắt các quân lính phô trương sức mạnh, mời Lê Hiển Tông ngự ra xét duyệt, trăm quan làm lễ chầu mừng. Bèn hạ lệnh cho thủy binh bày hàng chiến thuyền ở giữa sông, dung nghi quân sĩ rất tề chỉnh, bơi chèo ngược dòng nước, thuyền phóng đi như bay. Nhà vua rất bằng lòng, gần tối, xa giá trở về cung10 . Sau đó ông còn ra lệnh cấm đạo Gia Tô, giết nhiều người truyền đạo trong khắp Bắc Hà.

Đối với các đạo từ phương Tây du nhập vào, chính quyền Đại Việt chủ trương ngăn cấm. Chính sách này đã có từ thời Trịnh Tạc. Đến đây, Trịnh Doanh lại ra lệnh cấm đạo, nhưng người dân chết cũng không bỏ, không ngăn cấm vào đâu được.

Tháng 3 ÂL năm 1755, Trịnh Doanh tự gia phong Thượng sư Thượng phụ Anh Đoán Văn Trị Võ Công Minh Vương. Ít lâu sau Nguyễn Công Thái bị bãi chức Tham tụng. Vào năm 1758, Trịnh Doanh xin nhà vua phong cho Trịnh Sâm làm Tiết chế thủy bộ chư quân, chức thái úy, tước Tĩnh quốc công, mở phủ Lượng quốc, mọi việc nhà nước đều giao cho Sâm quyết định. Năm 1760, vì được mùa, triều đình hạ lệnh cho dân nộp thóc sẽ trao cho quan chức: 6 vạn bát quan trao chức tri phủ, 4 vạn bát quan trao chức tri huyện...13 Sử cũ đánh giá:

Phủ huyện là người tiêu biểu của dân, triều đình giao phó cho cai trị hàng trăm dặm đất, trách nhiệm không nhỏ. Thế mà lại cho người nộp của để làm quan ở phủ huyện, vậy thì coi việc vui mừng việc đau khổ của dân, chẳng phải cũng quá khinh thường lắm sao?

Tháng 2 ÂL năm 1765, do Đỗ Thế Giai lại được bổ dụng lên thay Nguyễn Công Thái, nên lại bàn việc khôi phục tiền thông kinh: huyện lớn lấy 70 người, huyện vừa 50 người, huyện nhỏ 40 người, người nào khảo hạch không trúng, theo thể lệ nộp tiền thông kinh, cũng được vào thi13 .

Tháng 2 ÂL năm 1767, Trịnh Doanh mất, cầm quyền 27 năm, thọ 48 tuổi; Trịnh Sâm lên nối ngôi, truy tôn ông làm Nghị Tổ Ân vương14 .

Gia quyến

Phi tần

  • Chính phi Nguyễn Thị Ngọc Vinh, nguyên quán xã Thạnh Mỹ, huyện Lỗi Dương, nay thuộc Thanh Hóa.
  • Thứ phi Nguyễn Thị Ngọc Diễm, tôn phong là Hoa Dung Ân Vương phi, người làng Thịnh Liệt, huyện Thanh trì (nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội).
  • Cung tần Dương Thị Ngọc Thịnh người làng Long Phúc, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Hậu duệ

  • Thế tử Trịnh Sâm, con của Thứ phi Nguyễn Thị.
  • Thụy quận công Trịnh Lệ
  • Quận chúa Tiên Dung, con của Chính phi họ Nguyễn Mậu.

Nhà thơ

Giống như Định Nam Vương Trịnh Căn trước đây, Trịnh Doanh không chỉ là nhà chính trị, nhà quân sự, mà còn là một nhà thơ. Thơ của Trịnh Doanh thiên về thơ Nôm. Tập thơ Nôm mà ông để lại có tên "Càn nguyên ngự chế thi tập" hiện nay vẫn còn lưu bản chép tay, do con trai là Trịnh Sâm đặt tên và quan Thị thư Viện hàn lâm kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám là Phan Lê Phiên biên soạn, viết tựa.

Cả tập thơ này chia làm 4 quyển, tổng số 263 bài, trong đó có 241 bài thơ Nôm và 22 bài thơ chữ Hán. Nội dung chính của tập thơ xoay quanh 3 nội dung chính:

  • Quan niệm về tu thân, tề gia, trị nước
  • Chỉ bảo, khuyến khích bề tôi làm tròn nhiệm vụ
  • Đề, vịnh cảnh vật, cảm hứng.

Những nội dung trên phần lớn do yêu cầu chính trị, quân sự và hoàn cảnh cụ thể quy định. Trịnh Doanh tỏ ra là người coi trọng sử dụng chữ Nôm. Thể thơ chủ yếu mà ông áp dụng là thơ Đường luật, đôi lúc xen với câu 6 chữ, một số ít làm theo thể thơ lục bát hoặc thơ song thất lục bát. Các nhà nghiên cứu văn học đánh giá Trịnh Doanh xứng đáng được xếp vào hàng ngũ các tác gia có tên tuổi của Việt Nam.

Nhận định

Trong các chúa Trịnh, Trịnh Doanh có cuộc đời và sự nghiệp khá giống với ông tổ 5 đời là Định Nam Vương Trịnh Căn. Trẻ tuổi đã ra mặt trận, tiếp quản khi chiến sự gay go, chuyển thế nguy thành an cho nước nhà, trọng dụng nhân tài chỉnh đốn chính sự, say mê công việc và một cuộc đời không thiếu thi ca, đặc biệt là những bài thơ bằng chữ Nôm.

Nói theo thuyết di truyền thì Trịnh Doanh được thừa hưởng dòng máu vừa hùng lược vừa lãng mạn, có pha lẫn sự nghiêm nghị, cứng rắn của tổ tiên. Có khác chăng là Trịnh Doanh không sống thọ được như Trịnh Căn. Có ý kiến cho rằng nếu ông sống thêm được khoảng 30 năm nữa như Định Nam Vương, có thể nhiều biến cố lịch sử của nước Đại Việt đã khác đi.

Tuy vậy, các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài dù bị dẹp yên nhưng vẫn để lại hậu quả khá nặng nề. Nhân tài vật lực Bắc Hà bị suy sút nghiêm trọng, vì vậy, nhìn nhận một cách khách quan thì thời Trịnh Doanh khôi phục lại cũng không thể phồn thịnh được như thời Trịnh Căn và Trịnh Cương.

Sử gia Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần "Nhân vật chí" có đánh giá về Ân vương Trịnh Doanh:15

Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục bàn về vai trò của Trịnh Doanh trong việc đánh dẹp quận He và quận Hẻo như sau:10

Tham khảo

  • Việt Nam sử lược
  • Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, tác giả: Phan Huy Chú, phiên dịch: Viện sử học, Nhà xuất bản giáo dục, 2005.
  • Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
  • Các triều đại Việt Nam - Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Nhà xuất bản Thanh niên, 2001
  • Từ điển văn học Việt Nam - Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1984

Chú thích

  1. ^ a ă â b c d đ e Cương mục, chính biên quyển 38
  2. ^ Tứ bình thực lục, dịch chú: Đinh Khắc Thuần - Hồng Phi, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2009, trang 33
  3. ^ Xã Ngân Già, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định
  4. ^ Nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh
  5. ^ Nay là xã Kim Quan, huyện Gia Lâm, Hà Nội
  6. ^ a ă â Cương mục, chính biên quyển 39.
  7. ^ Tên một huyện thuộc tỉnh Ninh Bình
  8. ^ Huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa
  9. ^ a ă Cương mục, chính biên quyển 40
  10. ^ a ă â b c d đ e ê Cương mục, chính biên quyển 41
  11. ^ nay là huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và một số xã thuộc huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc).
  12. ^ Trịnh gia chính phả, đời Nghị Tổ Ân vương Trịnh Doanh.
  13. ^ a ă Cương mục, chính biên quyển 42
  14. ^ Cương mục, chính biên quyển 43
  15. ^ Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, 2005, trang 253

Xem thêm

  • Trịnh Giang
  • Trịnh Sâm
  • Chúa Trịnh
  • Khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài
Dữ liệu nhân vật
TÊN Trịnh Doanh
TÊN KHÁC Minh Đô vương; Nghị Tổ (miếu hiệu); Ân Vương (thụy hiệu)
TÓM TẮT nhà thơ Việt Nam và chúa Trịnh thứ tám thời Lê trung hưng (1740–1767)
NGÀY SINH 1720
NƠI SINH Thanh Hóa, Việt Nam
NGÀY MẤT tháng 1, 1767
NƠI MẤT

(Nguồn: Wikipedia)