Trần Văn Lộng (chữ Hán: 陳文弄; ? - 1313) là một quý tộc nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh với nhà Nguyên, ông đã đầu hàng nhà Nguyên và theo về phương Bắc và được phong nhiều chức tước, hưởng nhiều vinh hoa, phú quý.

Tiểu sử

Theo An Nam chí lược của Lê Tắc, Trần Văn Lộng là con của Nhân Thành hầu Trần Duyệt và là cháu nội của Thái sư Trần Thủ Độ, được nhà Trần phong tước Chương Hoài Thượng hầu (章懷上侯), hưởng nhiều bổng lộc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi ông được nhận tước Văn Chiêu hầu (文昭侯). Trần Văn Lộng là người có tính người khiêm tính ôn hòa, được vua Trần tin dùng, phong làm đại tướng cầm quân trấn thủ vùng sông Tam Đái.

Năm Giáp Thân (1284), mùa đông, đại binh của Trấn Nam Vương Thoát Hoan tràn vào Đại Việt và công phá ác liệt. Đến năm sau, (1285), Trần Văn Lộng đem gia quyến, nội phụ đầu hàng nhà Nguyên. Ông được phong làm chức Gia Nghị đại phu, Tuyên Vũ Sứ Qui Hoá Giang Lộ, đồng thời được ban cho tiền, lụa, cung tên, yên ngựa và theo quân Nguyên tấn công Đại Việt và lập được một số công trạng.

Năm Tân Mão (1291), Trần Văn Lộng được vào triều kiến và được tuyên mệnh thăng Trung đại phu, Tuyên Úy Sứ Quảng Tây đạo, cho tiền 25.000 quan, kim đoạn hai cây. Năm Bính Ngọ, Đại Đức (1306), ông bị đình chỉ cấp lương tháng mà được cho ruộng 100 khoảnh để tự cấp dưỡng. Năm Nhâm Tý, Hoàng Khánh (1312), ông lại được vào yến kiến, chuyển qua ngạch Chánh Phụng đại phu, chức như cũ.

Tháng 2 năm sau (1313), Trần Văn Lộng mất, thi hài của ông được chôn ở hồ Mã Gia đất Hán Dương Trung Quốc, và được con cháu phụng thờ.

Thao khảo

  • An Nam Chí lược, Lê Tắc, quyển 13, gia thế họ Trần.

Xem thêm

(Nguồn: Wikipedia)