Phạm Quỳnh | |
---|---|
Chức vụ | |
Ngự tiền Văn phòng Triều đình Bảo Đại | |
Nhiệm kỳ | 1932 – 1945 |
Tiền nhiệm | Nguyễn Hữu Bài |
Kế nhiệm | Trần Trọng Kim |
Thông tin chung | |
Sinh | 17 tháng 12, 1892 Hà Nội, Bắc Kỳ, Liên bang Đông Dương |
Mất | 6 tháng 9, 1945 (52 tuổi) Thừa Thiên, Trung Bộ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Trường | Trường Bưởi |
Dân tộc | Kinh |
Vợ | Lê Thị Vân (1892-1953) |
Con cái | Phạm Giao Phạm Thị Giá Phạm Thị Thức Phạm Bích Phạm Thị Hảo Phạm Thị Ngoạn Phạm Khuê Phạm Thị Hoàn Phạm Tuyên Phạm Thị Diễm (Giễm) Phạm Thị Lệ Phạm Tuân Phạm Thị Viên. |
Phạm Quỳnh (chữ Hán: 范瓊; 17 tháng 12 năm 1892 - 6 tháng 91 năm 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc sử dụng chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi (尚之), bút danh: Hoa Đường (華堂), Hồng Nhân.
Ông được xem là người có tư tưởng ủng hộ sự tự trị của Việt Nam, việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến 2 . Tuy nhiên, ông cũng bị nhiều nhà yêu nước đương thời chỉ trích vì thái độ thân Pháp và sự cộng tác đắc lực cho chính quyền thực dân Pháp3
Tiểu sử
Phạm Quỳnh sinh tại số 17 phố Hàng Trống, Hà Nội; quê quán ở làng Lương Ngọc (nay thuộc xã Thúc Kháng), phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, một làng khoa bảng, có truyền thống hiếu học. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi; Phạm Quỳnh côi cút được bà nội nuôi ăn học.
Phạm Quỳnh học giỏi, có học bổng, đỗ đầu bằng Thành chung (tốt nghiệp) Trường trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi, còn gọi là trường Thông ngôn).
Hoạt động báo chí, văn hóa xã hội
Năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lúc vừa tuổi 16.
Từ năm 1916, Ông tham gia viết báo cho một số tờ có uy tín đương thời; làm chủ bút kỳ cựu của Nam Phong tạp chí từ ngày 1 tháng 7 năm 1917 cho đến năm 1932. Tờ báo này vốn do Pháp thành lập nhằm chống lại ảnh hưởng từ các tư tưởng chống Pháp do Phan Bội Châu], Phan Châu Trinh đang đề xướng và lan rộng trong nhân dân. Do vậy, Nam Phong chuyên viết bài truyền bá cho tư tưởng "Pháp Việt đề huề": tập trung tán dương và ca tụng chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, ca ngợi nước Đại Pháp trường tồn vĩnh viễn và các quan cai trị Pháp tại Việt Nam. Không những ca ngợi chính quyền thực dân, Nam Phong còn ca ngợi cả chính quyền phong kiến của vua Khải Định4 .
Ngày 2 tháng 5 năm 1919, ông sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức, Trần Trọng Kim là Trưởng ban Văn học của Hội; và Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ. Năm 1922, với tư cách đại diện cho Hội Khai trí Tiến Đức, ông đã sang Pháp dự Hội chợ triển lãm Marseille rồi diễn thuyết cả ở Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp về dân tộc giáo dục. Tại đây, ông ca ngợi công cuộc "khai hóa văn minh" của nước Pháp như sau5 :
- 40 năm qua, dân nước Nam sống dưới sự bảo hộ của nước Pháp... Ban đầu chúng tôi coi tình trạng này như là một việc bị áp đặt do nền chính trị yếu kém của chúng tôi không cho phép chống lại một kẻ đi chinh phục mạnh bạo hơn nhiều. Nhưng dần dần, trong khi chung sống, chúng tôi ngày càng hiểu biết các ngài rõ hơn. Chúng tôi biết rõ hơn về nước Pháp và vị thế của nó trên thế giới. Và dưới tác động của vẻ duyên tinh thần Pháp, chúng tôi dần dần bị cuốn hút, bị chinh phục bởi nền văn hóa và nền văn minh của các ngài... ngày nay, giới tinh hoa nước Nam đã hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền Pháp, hơn thế nữa, còn hoàn toàn tin cậy nước Pháp chăm lo cho công việc học hành và giáo dục của mình.
Năm 1924, ông được mời làm giảng viên Khoa Bác ngữ học, Văn hóa, Ngữ ngôn Hoa Việt của Trường Cao đẳng Hà Nội, trợ bút báo France - Indochine.
Từ năm 1925 - 1928, Phạm Quỳnh là Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ; năm 1926, ông làm ở Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ và đến năm 1929 được cử vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương.
Năm 1930, Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp cho thành lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của nhân dân Việt Nam, vua quan Việt Nam và chính quyền bảo hộ.
Năm 1931, ông được giao chức Phó Hội trưởng Hội Địa dư Hà Nội. Năm 1932, giữ chức Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ xã hội Bắc Kỳ.
Làm quan Thượng thư
Năm 1931, khi gửi thư cho Tổng trưởng thuộc địa Pháp “xin lại Tổ quốc đã mất”, Phạm Quỳnh bày tỏ lòng trung thành với nước Pháp như sau3 :
- “Người nước Nam không phải thể hiện ồn ào lòng trung thành của họ đối với nước Pháp. Chỉ cần họ chấp nhận sự đô hộ của nước Pháp. Yêu cầu họ phấn khởi chấp nhận điều đó như một ân huệ của Chúa hay một ân huệ Thiên Hựu, tới mức khiến họ quên rằng họ đã từng có một Tổ quốc và không còn nuối tiếc Tổ quốc ấy nữa”.
Trong một đoạn khác, Phạm Quỳnh viết6 :
- “Về phương diện quốc gia thì sự khủng hoảng ấy có thể tóm lại một câu như sau: Chúng tôi là một dân tộc đang đi tìm tổ quốc mà chưa thấy tổ quốc ở đâu… Chúng tôi chỉ thỉnh cầu quan lớn có một điều, một điều rất thiết tha quan hệ hơn cả các điều khác, là xin ngài cho chúng tôi cái tổ quốc để chúng tôi thờ”
Ngày 11 tháng 11 năm 1932, sau khi Bảo Đại lên làm vua thay Khải Định, ông được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế tham gia chính quyền Bảo Đại, ông thôi không làm chủ bút Nam phong Tạp chí nữa. Tại Huế thời gian đầu ông làm việc tại Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại (1944-1945).
Vua Bảo Đại viết trong hồi ký "Con rồng An Nam" rằng Phạm Quỳnh giống như một mật thám của Pháp bố trí bên cạnh để khống chế ông3 :
- “Tôi đóng vai trò bình phong, làm phỗng đá để cho các quan lại của họ (Pháp) tha hồ làm mưa làm gió. Họ cũng đặt ở các địa vị then chốt những bọn tay sai dễ bảo, bọn trung thành tuyệt đối. Họ đặt Phạm Quỳnh cạnh tôi, như vậy là họ được bảo đảm rồi”.
Trong một bài viết trên báo Sông Hương, ông đã phản đối Trần Trọng Kim và các sử gia phong kiến khi cho Triệu Đà là vua của nước Nam. Theo ông, "quốc sử phải lấy dân tộc làm nền", "sử gia phong kiến tôn y (Triệu Đà) là ông vua khai quốc, ấy là đã làm một việc vô nghĩa... Hoặc có ai ngờ cho tôi sở dĩ cái kiến giải nầy là tại quá trọng về quốc gia chủ nghĩa, và cũng bởi cái chủ nghĩa ấy khích thích nên tôi mới viết bài này"7 .
Cuối đời
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Bảo Đại muốn tạm cử Phạm Quỳnh là người thay mặt chính phủ Việt Nam để giao thiệp với Nhật. Ông Phạm Khắc Hòe, Tổng lý Ngự triều Văn phòng của triều đình, nói với Bảo Đại rằng: “Phạm Quỳnh là một người xấu, bị mọi tầng lớp nhân dân oán ghét và giới trí thức khinh bỉ… cho nên nếu nhà vua thực tâm vì dân, vì nước thì không nên dùng Phạm Quỳnh nữa”. Cụ Bùi Bằng Đoàn và cụ Ưng Úy là hai vị thượng thư tương đối có uy tín trong Hội đồng Cơ mật và trong quan trường nói chung đều nói với ông Phạm Khắc Hòe là “cần làm cho nhà vua thấy rõ bản chất xấu xa và nguy hiểm của Phạm Quỳnh”. Phát xít Nhật cũng không muốn dùng một con người bị nhiều điều tiếng như Phạm Quỳnh nên đã dùng Trần Trọng Kim, một con bài chính trị được họ chuẩn bị từ nhiều năm trước3
Sau khi Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, Phạm Quỳnh về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phủ Cam, Huế.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung dẫn ý kiến của bác sĩ Trần Đình Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ Trần Trọng Kim nói về Phạm Quỳnh như sau3 :
- “Sau đảo chính 9/3/1945, khi tiếp thu Bộ Lại của ông Phạm Quỳnh, cụ (Trần Đình Nam) thấy một tủ sách niêm phong kỹ của viên cố vấn chánh trị người Pháp, cụ ra lệnh mở ra và đã đọc những tài liệu ghi các việc người Pháp chỉ thị cho Phạm Quỳnh thi hành và họ đã dùng những chữ rất khinh bỉ để gọi Phạm Quỳnh như một tay sai dễ bảo, trung thành. Cụ không muốn nói rõ những chữ đó là gì, cũng không muốn kể lại những việc Pháp ra lệnh cho Phạm Quỳnh làm là những việc gì, nhưng cụ có nói một câu để tóm lược tất cả: đó là những việc làm của một người phản quốc. Thế là đủ hiểu và cụ nói tiếp, từ đó tôi hoàn toàn thất vọng và khinh Phạm Quỳnh”.
Cuối tháng 8/1945, thực dân Pháp cho quân nhảy dù tìm cách bắt liên lạc với Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh để đánh chiếm Huế, thiết lập lại chế độ do Pháp thống trị miền Trung Việt Nam. Toán quân nhảy dù Pháp bị du kích địa phương bắt được nên kế hoạch bại lộ, ông bị Việt Minh bắt giam ngày 23 tháng 8 năm 1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế.
Ông bị xử bắn sau đó cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi). Di hài ông được tìm thấy năm 1956 trong khu rừng Hắc Thú, và được cải táng ngày 9 tháng 2 năm 1956 tại Huế, trong khuôn viên chùa Vạn Phước.8
Cái chết
- Cuốn Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX, mục về Phạm Quỳnh (1892-1945) chỉ ghi ngắn gọn: Đến Cách mạng Tháng Tám 1945 chính quyền nhân dân khép án tử hình2 .
- Một giả thuyết khác nói rằng: có lệnh cấp tốc đưa Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh ra khỏi cố đô đề phòng 2 người gây ra những chuyện bất trắc sau này. Nhóm du kích áp tải đến một quãng rừng cách xa Huế thì nghe tiếng máy bay Pháp ầm ì trên đầu giống như tiếng máy bay thả biệt kích. Sợ không hoàn thành trách nhiệm hoặc bị quân Pháp tập kích nên nhóm áp tải đã xử bắn cả ba người mà không chờ chỉ thị của cấp trên2 . Giả thuyết này không đề cập đến cấp trên là ai hay cơ quan nào ra lệnh2 . Nhà văn Thái Vũ lý giải:
- Mà lúc ấy trong dân chúng, buổi đầu cách mạng, cũng là trong ngày đầu chính quyền mới do dân làm chủ thì mấy tiếng Việt gian, diệt Việt gian kèm theo hành động lan truyền… khắp mọi nơi, nhất là đối với những người có "thành tích" thân Pháp.
- Mà hai cụ họ Phạm và Ngô thì rõ ràng quá, tránh sao lúc trong dân, chỉ mới hưởng 1 ngày đầu chính quyền cách mạng, còn căm thù bọn thống trị Pháp và đám tay chân người bản xứ của chúng, có hành động manh động. Đó hẳn là "nỗi uẩn khúc" cuối cùng của ông chủ báo Nam Phong…9 .
- Có người cho rằng trong số người đi áp tải đó có người nhà Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người có mối thù hận từ lâu với Phạm Quỳnh nên đã lợi dụng việc này mà giải quyết ân oán2 .
- Cái chết của ông đã được nhiều báo đưa tin ngay sau đó. Báo Cứu quốc của Việt Minh ngày 18 Tháng Bảy 1946 đăng "Khi ra pháp trường, Phạm Quỳnh đã tuyên bố: Tôi vẫn tin tưởng rằng nước Việt Nam phải có một nước như nước Pháp dìu dắt thì mới có thể đi tới văn minh và độc lập được", và theo báo này: sự thực Phạm Quỳnh trước khi nhận mấy viên đạn kết liễu cái đời phản quốc, đã co rúm người lại không nói được một câu nào. Theo chỗ chúng tôi biết, trong những ngày bị giam, một vài lần Quỳnh có nói..."Tôi vẫn tưởng rằng phải có nước Pháp thì nước Việt Nam mới tiến tới độc lập được. Tôi thật không ngờ nước Việt Nam lại có ngày nay"...có nghĩa là Quỳnh đã phải nhận rằng nước Việt Nam có thể dùng sức mạnh của mình đoạt được chính quyền"...Quỳnh là đại diện cho cái tàn lực của đẳng cấp phong kiến Việt Nam...Phong trào giải phóng Tổ quốc do đại chúng chủ trương càng dâng lên cao, đẳng cấp ấy lại càng bám riết lấy kẻ thù hôm trước để hòng kéo dài những ngày tàn tạ...Dưới cái quyền uy hống hách của đế quốc, lắm lúc họ cũng cảm thấy chua sót cái số kiếp hèn hạ, nhỏ nhen của họ. Nhưng họ biết làm sao khi tinh lực đẳng cấp họ đã khô kiệt!...Quỳnh đã diễn giải sai lầm sự khiếp nhược của mình ra sự khiếp nhược của dân tộc,...Những bài học của sự thật, sự thực đẫm máu của lịch sử, cho đến ngày nay vẫn chưa làm mở mắt nhiều kẻ nhất định ẩn lấp ở trong cái hào lũy thành kiến gây ra bởi những đặc quyền, đặc lợi của đẳng cấp...Họ quan niệm sự vật một cách rất ngây thơ. Họ tưởng những kẻ vẫn nhởn nhơ ở trên thượng tầng xã hội là những kẻ làm cho xã hội tiến hóa. Họ lầm. Những kẻ mà trên trường kinh tế đã trở thành một bày lũ ký sinh chỉ có thể là những chông gai ở trên đường tiến hóa, họ chỉ có thể chờ ngày mà xe tiến hóa nghiến nát họ đi hay gạt họ ra ngoài dìa lịch sử10 .
Về sau, có nguồn tin chính thức mô tả chi tiết sự kiện này: quân Pháp thả biệt kích hòng liên lạc với Phạm Quỳnh để chuẩn bị cho kế hoạch đánh chiếm miền trung, nhưng nhóm này bị bắt và để lộ thông tin, nên Phạm Quỳnh bị dân quân địa phương (Hiền Sĩ, Thừa Thiên, Huế) xử bắn do làm nội ứng cho Pháp. Theo đó, ngày 25/8/1945, một toán lính Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ, cách Huế 25 km về phía Bắc. Toán nhảy dù có 6 sĩ quan Pháp do quan tư Castella chỉ huy. Dân quân Việt Nam bố trí bắt gọn toán quân này, tịch thu vũ khí và tài liệu, gồm có: 6 khẩu súng Các-bin Mỹ, 6 khẩu súng ngắn Browning, 2 điện đài, 2 máy phát điện, 6 túi cá nhân đựng rất nhiều quân trang, đạn dược, 6 cặp sĩ quan đựng bút giấy, tài liệu và rất nhiều bản đồ in trên lụa rất có giá trị. Trong cặp của Castella có Mật lệnh của Thống chế Pháp là De Gaulle ghi rõ: "Quan tư Castella có nhiệm vụ bắt liên lạc với Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, với các lực lượng Pháp ở hải ngoại (FFE) và các lực lượng Pháp nội địa (FFI) để tổ chức chiếm lĩnh các công sở và thành lập chính quyền thuộc địa ở miền Trung Việt Nam."3
Ông Đặng Văn Việt, tham gia lực lượng đi bắt toán biệt kích Pháp, sau này là vị tướng nổi tiếng chiến đấu ở mặt trận Cao Bằng năm 1950, trong hồi ký “Hạ cờ triều đình Huế” có nói về việc chặn đứng kế hoạch của biệt kích Pháp hòng bắt liên lạc với Phạm Quỳnh như sau3 :
- “Không nghi ngờ gì nữa – cái phái bộ Đồng Minh nhảy xuống Hiền Sĩ thực chất là một phái bộ thực dân được De Gaulle phái sang để chiếm lại miền Trung, nếu ta chậm 1 – 2 ngày, Castella sẽ bắt liên lạc được với Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Bảo Đại, chỉ trong một đêm, 500 lính thực dân Pháp đang bị giam ở trường Providence, cộng với lính khố xanh, khố đỏ, khố vàng, với những mật thám cảnh sát cũ còn nguyên vẹn, chúng sẽ đủ sức chiếm lại toàn bộ Kinh đô Huế. Rồi sẽ không có việc Bảo Đại thoái vị, không có lễ nhận ấn tín, không có việc Vĩnh Thụy ra Hà Nội làm cố vấn Chính phủ, mà Huế sẽ lại là Thủ đô của cả nước lúc bấy giờ. Nếu những việc ấy xảy ra, sẽ đều ảnh hưởng đến toàn quốc, Cách mạng sẽ không lường hết sự phải trả giá, xương sẽ chất thành núi, máu sẽ nhuộm đỏ nước sông Hương, cây cỏ trên núi Ngự Bình sẽ xơ xác trong tro bụi?!”.
Các nghiên cứu
Phạm Quỳnh được coi là người đi tiên phong trong việc dùng tiếng Việt để viết lý luận. Dương Quảng Hàm đánh giá các công trình của ông là đã "luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới."11
Trước đây, nhiều người phê phán ông gắn bó với các chủ trương chính trị của thực dân Pháp. Ông bị coi là "ru ngủ" thanh niên trí thức trong cái "hồn nước" mơ hồ, khiến họ đi chệch khỏi chí hướng làm cách mạng chống Pháp. Trong một thời gian dài, quan điểm chính thống của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam coi ông là tay sai đắc lực của Pháp.12
Gần đây, tại Việt Nam có một số đánh giá khác về khía cạnh văn hóa (không xét đến tư tưởng chính trị thân Pháp) đối với Phạm Quỳnh. Từ điển Văn học bộ mới (2004) coi ông là người ôm ấp một chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước. Kể từ năm 2000, nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh đã được xuất bản tại Việt Nam:
- Mười ngày ở Huế, Nhà xuất bản Văn học - 2001
- Luận giải Văn học và Triết học, Nhà xuất bản Thông tin, 2003
- Pháp du hành trình nhật ký, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2004
- Thượng Chi văn tập, Nhà xuất bản Văn học, 2007
- Du ký Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ, 2007
- Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp, Nhà xuất bản Tri thức, 2007 (gồm những bài diễn thuyết, bài báo ông viết bằng tiếng Pháp từ 1922 đến 1932)
Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên - con trai của học giả Phạm Quỳnh, vào mùa thu năm 1945, Hồ Chí Minh đã nói với hai người chị của ông là Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức rằng: "Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng". 13
Ngày 28 tháng 5 năm 2016, hội đồng họ Phạm Việt Nam phối hợp cùng gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên tổ chức lễ khánh thành công trình trùng tu mộ phần và dựng tượng Thượng Chi Phạm Quỳnh tại Thành phố Huế. Bức tượng bán thân Phạm Quỳnh do chính người cháu ngoại là kiến trúc sư Tôn Thất Đại thiết kế với chiều cao 60 cm, bề ngang 50 cm, được đặt ở bục cao gần 2m nằm ngay sau ngôi mộ ông ở trước chùa Vạn Phước (phường Trường An, Thành phố Huế). Phía trước bia mộ được ốp tấm bia đá đen khắc ghi câu nói nổi tiếng của ông: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”.14
Tác phẩm
Ông là tác giả và dịch giả nhiều bài viết và sách văn học, triết học, cách ngôn, ngụ ngôn, tuồng hát tiếng Pháp dịch ra tiếng Việt và tùy bút. Gần như toàn bộ các tác phẩm của ông đều đăng trên tạp chí Nam Phong. Nhiều bài sau đó in lại thành sách do Đông Kinh ấn quán ở Hà Nội xuất bản.
Các tác phẩm của ông có thể chia làm ba loại:
Dịch thuật
Bao gồm các tác phẩm luận thuyết, phương pháp luận, sách cách ngôn, kịch bản và thơ văn...; Ông dịch các đoạn văn và tác phẩm từ tiếng Pháp, chủ yếu thiên về triết học, như triết học của Descartes. Tuy nhiên, ông cũng có dịch một số tác phẩm nghệ thuật như kịch của Corneille.
Khảo luận
Phần quan trọng nhất trong các tác phẩm của Phạm Quỳnh là các tác phẩm khảo cứu.[cần dẫn nguồn] Ông nghiên cứu trong các sách chữ nho, sách tiếng Pháp, và viết lại những bài chuyên khảo bằng tiếng Việt. Có ba ngành ông chú trọng, là:
- Các học thuyết Âu Tây, như trong Văn minh luận, Khảo về chính trị nước Pháp, Lịch sử và học thuyết của Rousseau, Lịch sử và học thuyết của Montesquieu, Lịch sử và học thuyết của Voltaire, v.v.
- Học thuật Á Đông, những bài về triết học và tôn giáo Á Đông như Phật giáo lược khảo, Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng, v.v.
- Văn hóa Việt Nam, với chủ đề trải rộng từ Tục ngữ ca dao, tới Việt Nam thi ca, tới Văn chương trong lối hát ả đào.
Nhiều tác phẩm của ông liên kết những học thuật Âu Tây và phân tích, so sánh chúng với các khái niệm quen thuộc của người Việt Nam. Như trong bài Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng ông có phần phân tích và so sánh giữa quan niệm người quân tử của đạo Khổng và người "chính nhân" (là chữ ông dùng cho l'honnête homme) trong văn hóa Pháp. Hay như ông có những bài Văn hóa Pháp đối với tiền đồ nước Nam hoặc Công cuộc chấn chỉnh quốc gia ở nước Pháp và khôi phục cổ điển ở nước Nam, mô tả ảnh hưởng của Pháp đối với văn hóa Việt Nam.
Văn du ký
Ông viết nhiều du ký ghi lại những điều quan sát, nhận định, nghị luận trong các chuyến du lịch đi Pháp và đi các vùng đất Việt Nam như:
- Mười ngày ở Huế (1918)
- Một tháng ở Nam Kỳ (1919)
- Pháp du hành trình nhật ký (1922)
Một số tác phẩm chính
- Văn minh luận
- Ba tháng ở Paris
- Văn học nước Pháp
- Chính trị nước Pháp
- Khảo về tiểu thuyết
- Lịch sử thế giới
- Lịch sử và học thuyết Voltaire
- Phật giáo đại quan
- Cái quan niệm của người quân tử trong Đạo Khổng
- Thượng Chi văn tập gồm 5 quyển, Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes Hanoi ấn hành năm 1943.
- Tục ngữ - Ca dao (1932) - Đông Kinh ấn quán.
Về sách in sau này ở Việt Nam
- Mười ngày ở Huế, Nhà xuất bản Văn học - 2001
- Luận giải Văn học và Triết học, Nhà xuất bản Thông tin, 2001
- Pháp du hành trình nhật ký, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2004
- Thượng Chi văn tập, Nhà xuất bản Văn học, 2007
- Du ký Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ, 2007
- Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp, Nhà xuất bản Tri thức, 2007 (gồm những bài diễn thuyết, bài báo ông viết bằng tiếng Pháp từ 1922 đến 1932)
Ngoài sáu cuốn xuất bản sau này tại Việt Nam thì còn có cuốn Hành trình nhật ký in lần thứ hai tại San Jose, Hoa Kỳ vào năm 2002 (in thành sách lần thứ nhất tại Paris năm 1997) gồm các du ký: Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ và Pháp du hành trình nhật ký. Sách do bà Phạm Thị Hoàn (sinh 1926) là con gái Phạm Quỳnh đứng bản quyền.[cần dẫn nguồn]
Câu nói nổi tiếng
Trong tạp chí Nam Phong, số 86 (năm 1924), Phạm Quỳnh viết:
“ | Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn. Có gì mà lo, có gì mà sợ, còn điều chi nữa mà ngờ | ” |
— Phạm Quỳnh |
Câu nói này của Phạm Quỳnh có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Nghĩa đơn giản là ca ngợi giá trị của truyện Kiều. Còn nghĩa sâu xa thì đặt trong bối cảnh năm 1924 và việc tờ tạp chí Nam Phong vốn do Pháp lập ra, có người cho là Phạm Quỳnh viết câu này để ngầm ca ngợi Pháp và "ru ngủ" người Việt, rằng nước Việt vẫn chưa mất nước, nước Pháp không xâm chiếm mà chỉ "bảo hộ" mà thôi15
Nhận định
- Hồ Chí Minh nói với 2 người con của Phạm Quỳnh:
“ | Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. | ” |
- Trong báo cáo ngày mồng 8 tháng 1 năm 1945 gửi cho đô đốc Decoux và cho Tổng đại diện Mordant, Thống sứ Trung Kỳ của Pháp là Healewyn đã báo cáo về Phạm Quỳnh như sau:
“ | "Vị Thượng thư này vốn đã chiến đấu suốt cuộc đời mình bằng ngòi bút và bằng lời nói, không bao giờ bằng vũ khí chống sự bảo trợ của Pháp và cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung Nam) và cho việc người Việt Nam nắm trong tay vận mệnh của chính mình... Những yêu sách của Phạm Quỳnh đòi trở lại việc chấp thuận một chế độ tự trị hoàn toàn cho hai xứ bảo hộ (Trung Kỳ và Bắc Kỳ) khước từ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và thành lập một quốc gia Việt Nam. Tôi xin lưu ý ngài một điều là, dưới vẻ bề ngoài nhã nhặn và thận trọng, con người đó là một chiến sĩ không lay chuyển nổi cho nền độc lập của Việt Nam và đừng hòng có thể làm dịu những tình cảm yêu nước chân thành và kiên định của ông ta bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một cương vị danh dự hoặc trả lương một cách hậu hĩ. Cho tới nay đó là một địch thủ thận trọng nhưng cương quyết chống lại sự đô hộ của nước Pháp và ông ta có thể sớm trở thành một kẻ thù không khoan nhượng...2 ". | ” |
— Thống sứ Trung Kỳ Healewyn |
- Nguyễn Công Hoan:
“ | "...Phạm Quỳnh, trái lại chủ trương thuyết lập Hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884 nghĩa là chỉ đóng vai trò bảo hộ còn công việc trong nước thì để vua quan người Nam tự đảm nhiệm lấy. Bấy giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan không phải vì danh. Quốc dân biết tên Phạm Quỳnh hơn nhiều Thượng thư Nam Triều. Mà cũng chẳng phải vì lợi. Đơn cử làm chủ bút Nam Phong, Phạm Quỳnh được cấp 600 đồng một tháng. Món này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan chỉ đổi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam Triều đòi Pháp trở lại Hiệp ước 1884. Vậy là một người yêu nước như Phạm Quỳnh sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua là một việc miễn cưỡng trái với ý mình để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn chứ thực lòng một người dân mất nước ai không đau đớn ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ ra được truyện Kép Tư Bền tả một anh kép nổi tiếng về bông lơn đã phải vì giữ tín nhiệm với khán giả mà lên sân khấu nhà hát làm trò cười ngay cái tối cha mình đang hấp hối"2 . | ” |
— Nguyễn Công Hoan (Đời viết văn của tôi- Nhà xuất bản Văn học Hà Nội năm 1971). |
- Giáo sư Văn Tạo:
“ | "Phạm Quỳnh không có hành vi nào tàn ác với nhân dân, không đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân như nhiều quan lại thời Nguyễn, không ra lệnh bắt bớ tù đày các nhà yêu nước (...). Nhưng mặt khác ông lại có công chuyển tải văn hóa Đông - Tây trên văn đàn, báo giới Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm cho ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Việt Nam thời đầu thế kỷ XX, công lao đó đáng được ghi nhận". | ” |
— Giáo sư Văn Tạo |
- Giáo sư Phan Văn Dật, Đại học Huế nói3 :
“ | "Theo tôi, qua những hành động bất nhất của Phạm Quỳnh như lúc đầu thì chửi Nam triều, rồi sau lại ca ngợi, qua Pháp ghi vào sổ vàng ở Marseille, ông đã chế nhạo vua Khải Định. Phạm Quỳnh là người có tài học nhưng không có thái độ trí thức". | ” |
— Giáo sư Phan Văn Dật |
- Ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý ngự tiền văn phòng Nhà Nguyễn nói:
“ | "Phạm Quỳnh là một người xấu, bị mọi tầng lớp nhân dân oán ghét và giới trí thức khinh bỉ… cho nên nếu nhà vua thực tâm vì dân, vì nước thì không nên dùng Phạm Quỳnh nữa... (nói với vua Bảo Đại) Tôi không có thù oán cá nhân gì với Phạm Quỳnh và tôi nghĩ rằng nếu hắn có tội, thì sẽ bị nhân dân trừng trị. Khi nghĩ như vậy, tôi không ngờ rằng chỉ khoảng một tháng sau, Phạm Quỳnh đã bị đền tội trước nhân dân". | ” |
- Ông Trần Đình Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ Trần Trọng Kim nói về Phạm Quỳnh như sau3 :
“ | "Sau đảo chính 9-3-1945, khi tiếp thu Bộ Lại của ông Phạm Quỳnh, cụ thấy một tủ sách niêm phong kỹ của viên cố vấn chánh trị người Pháp, cụ ra lệnh mở ra và đã đọc những tài liệu ghi các việc người Pháp chỉ thị cho Phạm Quỳnh thi hành và họ đã dùng những chữ rất khinh bỉ để gọi Phạm Quỳnh như một tay sai dễ bảo, trung thành. Cụ không muốn nói rõ những chữ đó là gì, cũng không muốn kể lại những việc Pháp ra lệnh cho Phạm Quỳnh làm là những việc gì, nhưng cụ có nói một câu để tóm lược tất cả: đó là những việc làm của một người phản quốc. Thế là đủ hiểu và cụ nói tiếp, từ đó tôi hoàn toàn thất vọng và khinh Phạm Quỳnh". | ” |
- Cụ Huỳnh Thúc Kháng làm bài thơ "Ông Táo", mỉa mai Phạm Quỳnh vì hợp tác với Pháp3 :
“ | Cục đất ngày xưa nó thế nào Nay thành ông Táo chức quyền cao Khéo mang mặt nhọ vênh vang thế Chẳng khổ lưng còm khúm núm sao? Ba bữa giữa ngày cho địa chủ Quanh năm kiếm chuyện mách Thiên Tào Một mai đất lại hoàn ra đất Cái đãy xôi chè giá đáng bao! | ” |
— Ông Táo ám chỉ Phạm Quỳnh, "Thiên Tào" ám chỉ người Pháp |
Gia đình
Ông có một người vợ là bà Lê Thị Vân (1892-1953) và 16 người con (3 người mất từ nhỏ). Trong đó:
- Người con cả là Phạm Giao (sinh năm Tân Hợi 1911), kết hôn với bà Nguyễn Thị Hy, con gái ông Nguyễn Văn Ngọc. Về sau bà Hy kết hôn với ông Trần Huy Liệu, sinh được hai người con, một gái, một trai.
- Người con gái hai là bà Phạm Thị Giá (sinh năm Quý Sửu 1913), vợ của quan Đốc học trường Thăng Long Tôn Thất Bình.
- Người con gái thứ ba là bà Phạm Thị Thức (sinh năm Ất Mão 1915), vợ của Giáo sư Đặng Vũ Hỷ. Hai ông bà có người con trai là Đặng Vũ Minh, Giáo sư Tiến sĩ, Chủ tịch Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam.
- Người con trai thứ tư là Phạm Bích (sinh năm Mậu Ngọ 1918), Tiến sĩ Luật đã mất ở Thụy Sĩ.
- Người con gái thứ năm là Phạm Thị Hảo (sinh năm Canh Thân 1920), vợ Dược sĩ Phùng Ngọc Duy, hiện sống tại Washington D.C., Hoa Kỳ.
- Người con thứ sáu là Phạm Thị Ngoạn (sinh năm Tân Dậu 1921), Tiến sĩ Văn chương, vợ của nhà văn Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng.
- Người con thứ bảy là cố Giáo sư Phạm Khuê (sinh năm Ất Sửu 1925), Nhà giáo nhân dân, nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khóa X.
- Người con thứ tám là Phạm Thị Hoàn (sinh năm Mậu Thìn 1928), từng là ca sĩ. Chồng bà là nhạc sĩ Lương Ngọc Châu (cháu nội chí sĩ Lương Văn Can), tác giả những ca khúc như Tiếng hát lênh đênh, Một đi không trở về...
- Người con thứ chín là nhạc sĩ Phạm Tuyên (sinh đầu năm 1930, tuổi Kỷ Tỵ), Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
- Người con thứ mười là Phạm Thị Diễm (Giễm) sinh năm Tân Mùi 1931, định cư tại Pháp.
- Người con thứ mười một là Phạm Thị Lệ sinh năm Giáp Tuất 1934, định cư tại Pháp.
- Người con thứ mười hai là Phạm Tuân sinh năm Bính Tý 1936, định cư tại Hoa Kỳ.
- Người con thứ mười ba là Phạm Thị Viên sinh năm Mậu Dần 1938, định cư tại Pháp.2 .
Ngày sinh và mất
Theo ông Nguyễn Thọ Dực, trưởng Ban Cổ văn, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa chính quyền Việt Nam Cộng hòa thì hồi làm việc ở triều đình Huế, ông có được Phạm Quỳnh cho biết ngày sinh để nhờ lấy số tử vi là ngày 13 tháng 12 năm Nhâm Thìn, tức 30/1/1893. Không ai cho ngày sinh sai để lấy số tử vi cả. Cho nên, ngày này được coi là chính xác nhất trong số các ngày sinh đã được biết của Phạm Quỳnh khai ở nơi này nơi khác.[cần dẫn nguồn]
Về ngày mất thì có nhiều thông tin khác nhau:
- Sách "Từ điển Văn học bộ mới" (2004), ghi Phạm Quỳnh mất ngày 20 tháng 8 năm 1945.
- Một số tài liệu ghi Phạm Quỳnh mất ngày 23 tháng 8 năm 1945, đúng ngày có người mời ông đến chính quyền Việt Minh làm việc.
- Một số tài liệu chép ông mất vào sáng ngày 6 tháng 9 năm 1945 (tức ngày 1 tháng 8 năm Ất Dậu; sau 14 ngày bị Việt Minh bắt).
- Năm 1956, hai con của Phạm Quỳnh là bà Phạm Thị Hảo (1920) và Phạm Tuân (sinh năm 1936) hiện định cư tại Hoa Kỳ được theo đoàn tìm mộ cha con Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân, anh và cháu Ngô Đình Diệm để tìm di hài cha. Theo lời các nhân chứng thì Phạm Quỳnh mất vào đêm 6 rạng ngày 7 tháng 9 năm 1945, khoảng 1 giờ sáng, có trăng câu liêm, tức ngày 1 tháng 8 năm Ất Dậu.[cần dẫn nguồn]
Xem thêm
Tham khảo
- Phạm Thị Hoàn (biên tập) (1992). Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh (1892~1992), tuyển tập và di cảo. An Tiêm (Paris).
- David G. Marr (1984). “Language and Literacy”. Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945. University of California Press. tr. 150–175.
Chú thích
- ^ [1]Có nhiều thông tin chưa thống nhất ngày mất của Phạm quỳnh
- ^ a ă â b c d đ e Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong
- ^ a ă â b c d đ e ê g http://tuanbaovannghetphcm.vn/tro-lai-chuyen-pham-quynh/
- ^ http://tuanbaovannghetphcm.vn/ky-niem-nam-phong-tap-chi-va-ca-ngoi-pham-quynh-nham-muc-dich-gi/
- ^ http://tuanbaovannghetphcm.vn/nguyen-ban-pham-quynh/
- ^ http://tuanbaovannghetphcm.vn/chuyen-khoi-hai-trong-gioi-su-hoc-hien-nay/
- ^ Sông Hương ngày 15 Tháng Tám 1936
- ^ ChúngTa.com (29/06/2009). “Phạm Quỳnh”. ChúngTa.com. Bản gốc lưu trữ 13/01/2010. Truy cập 13/6/2010.
Gia đình Phạm Quỳnh
Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:|archivedate=, |date=, |accessdate=
(trợ giúp) - ^ Xem bài: "Về cái chết của ông chủ bút tạp chí Nam Phong", Thái Vũ, đăng trên báo Tiền Phong
- ^ Báo Cứu quốc ngày 18 Tháng Bảy 1946, tr.1,4
- ^ Dương Quảng Hàm (1941). Việt Nam văn học sử yếu.
- ^ Con người Phạm Quỳnh, TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KHÁM PHÁ HUẾ, 20/10/2014
- ^ Phạm Tuyên, Lịch sử sẽ công bằng với cha tôi, 04/12/2007
- ^ “Khánh thành tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh”.
- ^ http://tuanbaovannghetphcm.vn/ngua-non-hau-da-ngua-gia-thao-mai-1/
(Nguồn: Wikipedia)