Phạm Mại (chữ Hán: 范邁), hay Phạm Tông Mại (范宗邁, ? - ?), hiệu: Kính Khê; là nhà thơ và là quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.
Tiểu sử
Phạm Mại là người hương Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, phủ Tân Hưng; nay là huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương.
Ông nguyên họ Chúc, tên Cố; sau Trần Nhân Tông (ở ngôi: 1285-1293) cho rằng họ Chúc không phải là họ lớn, mới cho đổi thành họ Phạm, còn tên Cố vì trùng với tên thầy học Nguyễn Sĩ Cố nên đổi thành Mại1 .
Theo tài liệu thì ba cha con ông đều hay thơ. Cha (không rõ tên) là nhà sư ở Phù Thạch (Hà Tĩnh), em là Phạm Ngộ (hay Phạm Tông Ngộ), làm quan đồng thời với ông 2 .
Không rõ Phạm Mại có thi đỗ gì không, chỉ biết khi Trần Nhân Tông xuất gia (Kỷ Hợi, 1299), Phạm Mại và Phạm Ngộ đều được cử làm Thị nội học sinh để theo hầu 1 .
Đầu đời Trần Minh Tông (ở ngôi: 1314-1323), Phạm Mại được cử đi sứ sang Nguyên (Trung Quốc) cùng với Nguyễn Trung Ngạn. Khi về nước, ông được làm chức Ngự sử trung tán, rồi lần lượt thăng đến chức Môn hạ sảnh đồng tri 3 .
Theo sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, khi Phạm Mại đang giữ chức Ngự sử trung thừa, thì bị cách chức trong vụ án Trần Quốc Chẩn 4 . Sau khi Quốc Chẩn được minh oan, Phạm Mại mới được thăng làm Tham tri chính sự 5 .
Khi ở Ngự sử đài, Phạm Mại nổi tiếng là người "cương trực dám nói, có phong cách của người bề tôi can ngăn ngày xưa" 6 .
Tác phẩm
Tác phẩm của Phạm Mại hiện chỉ còn 5 bài thơ luật Đường chép trong Toàn Việt thi lục và Việt âm thi tập, và một bài "Thiên thu kim giám phú" (Phú gương vàng nghìn thu).
Thơ Phạm Mại "thanh thoát, bay bướm, có thú thanh cao". Qua bài "Đề ẩn giả sở cư họa vận" (Hoạ vần bài thơ đề nơi ở của ẩn sĩ), và bài "Phỏng tăng" (Thăm sư) "đều có thể tưởng thấy được thái độ, tư cách của ông" 7 . Bài "Thiên thu kim giám phú" nêu một lời răn cần thiết cho người làm vua: rút kinh nghiệm những tấm gương hưng phế trong lịch sử mà tìm ra con đường hay, đường đúng cho mình8 . Giới thiệu một bài:
|
|
Sách tham khảo
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 2). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. 1985.
- Phan Huy Chú, mục "Phạm Tông Mại" in trong Lịch triều hiến chương loại chí (Tập I, phần "Nhân vật chí"). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. 1992.
- Nguyễn Huệ Chi, mục từ "Phạm Mại" in trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
- Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học thế kỷ X-XV, mục từ "Phạm Mại". Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2004.
Chú thích
- ^ a ă Theo Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 2), tr. 108.
- ^ Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, mục từ: "Phạm Ngộ".
- ^ Theo Từ điển văn học (bộ mới), tr. 1359.
- ^ Xem chi tiết trong Việt sử giai thoại (Tập 3) do GS. Nguyễn Khắc Thuần biên soạn. Bản điện tử: [1].
- ^ Dẫn lại theo ghi chú [1] in trong Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 2), tr. 108.
- ^ Trích trong Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 2), tr. 108.
- ^ Mấy chữ nghiêng trong ngoặc kép là lời của Phan Huy Chú, tr. 231.
- ^ Theo Nguyễn Huệ Chi, tr. 1359.
(Nguồn: Wikipedia)