Phạm Đình Hổ
範廷琥
Bút danh Đông Dã Tiều
Công việc Học sĩ, giảng sư
Quốc gia Personal Flag of Emperor Minh Mang.svg An Nam
Dân tộc Việt
Học vấn Hán học
Bằng cấp Sinh đồ
Giai đoạn sáng tác Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn
Thể loại Personal Flag of Emperor Minh Mang.svg Triều Nguyễn
Trào lưu Cổ điển
Tác phẩm nổi bật Quốc triều hội điển
Vũ trung tùy bút
Tang thương ngẫu lục
Vợ/chồng Lê Thị
Con cái 5
Thân nhân Phạm Đình Dư (thân phụ)

Phạm Đình Hổ (tiếng Trung: 範廷琥, 1768 - 1839), tự Tùng Niên (松年), Bỉnh Trực (秉直), bút hiệu Đông Dã Tiều (東野樵), biệt hiệu Chiêu Hổ tiên sinh (昭琥先生), là một danh sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX.

Tiểu sử

Ẩn cư

Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tí (1768), nguyên quán tại hương Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là ấm sinh của một vọng tộc khoa hoạn, có cha là Phạm Đình Dư đã đỗ cử nhân, làm Hiến sát Sơn Nam Hạ, rồi thăng Tuần phủ Sơn Tây, sau về trí sĩ ở phường Hà Khẩu (nay là phố Hàng Buồm, Hà Nội) năm Giáp Ngọ (1774).

Ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí rằng: Làm người con trai phải lập thân hành đạo...Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời...1 . Tuy học & đọc nhiều sách (năm 9 tuổi, ông đã học sách Hán thư), nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ vào khoảng cuối đời Chiêu Thống.

Gặp buổi loạn lạc, Mẫn đế cho người chạy sang cầu viện nhà Thanh, rồi triều đình Lê trung hưng sụp đổ, nhà Tây Sơn lên cầm quyền... Suốt quãng thời gian này, Phạm Đình Hổ sống đời cơ hàn dạy học ở quê.

Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử; ông có đi thi Hương ba lần, nhưng đều không đỗ. Hồi ấy ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Tại đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Làm quan

Năm Canh Thìn (1820), có chỉ triệu ông và Phan Huy Chú vào Huế đợi mệnh cất dùng, nhưng vì ốm ông không vào được.

Năm Tân Tị (1821), vua Minh Mệnh ra Bắc. Khi ấy, Phạm Đình Hổ ở tuổi 53, được vời ông đến hỏi về học vấn, thi cử và tình hình nhân tài đất Bắc. Lại khuyên hễ có những sách tiền triều, trước thuật... nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách do mình biên soạn, bèn được triệu vào Huế làm Hành tẩu Viện Hàn lâm, được ít lâu, ông xin từ chức.

Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông, cho làm Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, xin nghỉ bệnh rồi từ chức. Sau, ông lại vào sung chức, được thăng Thị giảng học sĩ.

Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về trí sĩ. Năm Kỷ Hợi (1839), Phạm Đình Hổ mất, thọ 71 tuổi.

Tác phẩm

Văn chương

Phạm Đình Hổ, vốn muốn lấy văn thơ nổi tiếng ở đời2 , nên cuộc đời ông chủ yếu dành cho việc sáng tác và biên soạn sách hơn là việc ở chốn quan trường. Và nhờ đọc nhiều, đi nhiều, ông đã để lại nhiều công trình khảo cứu, biên soạn có giá trị thuộc đủ mọi lĩnh vực như luận lý, lịch sử, địa dư, trước thuật... tất cả đều bằng chữ Hán, nay còn lưu đến 22 trứ tác, đáng kể gồm:

  • An Nam chí
  • Ô châu lục
  • Kiền khôn nhất lãm
  • Quốc triều hội điển
  • Đạt Man quốc địa đồ
  • Ải Lao sứ trình
  • Bang giao điển lệ
  • Nhật dụng thường đàm
  • Hi kinh lãi trắc
  • Quốc sử tiểu học
  • Hành tại diện đối
  • Quốc thư tham khảo
  • Châu Phong tạp kho
  • Vũ trung tùy bút
  • Tang thương ngẫu lục3

Thi phú

  • Đông Dã học ngôn thi tập
  • Tùng cúc liên mai tứ hữu tập
  • Bạn tiếp tồn phùng thi tập
  • Châu Phong thi tập
Nguyên tác:
懷古
去歲桃花發,
鄰女初學嵇。
今歲桃花發,
已嫁鄰家西。
去歲桃花發,
春風何淒淒。
鄰女對花泣,
愁深眉轉低。
今歲桃花發,
春草何淒淒。
鄰女對花笑,
吟成手自題。
吟成手自題。
Diễn âm:
Hoài cổ
Khứ tuế đào hoa phát,
Lân nữ sơ học kê.
Kim tuế đào hoa phát,
Dĩ giá lân gia tê.
Khứ tuế đào hoa phát,
Xuân phong hà thê thê.
Lân nữ đối hoa khấp,
Sầu thâm mi chuyển đê.
Kim tuế đào hoa phát,
Xuân thảo hà thê thê.
Lân nữ đối hoa tiếu,
Ngâm thành thủ tự đề.
Diễn nghĩa:
Cảm nhớ việc cũ
Năm ngoái hoa đào nở,
Cô láng giềng mới học cài trâm,
Năm nay hoa đào nở,
Cô đã lấy chồng ở láng giềng bên kia.
Năm ngoái hoa đào nở,
Gió xuân sao lành lành,
Đứng trước hoa cô láng giềng khóc,
Buồn quá đôi lông mày sa xuống.
Năm nay hoa đào nở,
Cỏ xuân sao mơn mởn.
Đứng trước hoa cô láng giềng cười,
Thơ ngâm xong tự tay cô viết.

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

Phạm Đình Hổ đã được đặt tên phố ở quận Hai Bà Trưng Hà Nội, và quận 6 Sài Gòn.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Trích bàiTự thuật trong sách Vũ Trung tùy bút.
  2. ^ Dựa theo Trần Nho Thìn (Từ điển Văn học, tr. 1356) & Tạ Ngọc Liễn (tr. 320 và 322).
  3. ^ Hợp soạn với ông Nguyễn Án.
  • Phạm Đình Hổ, Vũ Trung tùy bút (bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến). Nhà xuất bản Trẻ & Hội Nghiên cứu giảng dạy Văn học TP. HCM, in lại năm 1989.
  • Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục (bản dịch của Trúc Khê). Nhà xuất bản VHTT in lại năm 2000.
  • Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu. Trung tâm học liệu Sài Gòn xuất bản (bản in lần thứ 10) năm 1968.
  • Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Nhiều người soạn, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ 13-nửa đầu thế kỷ 19. Nhà xuất bản Văn học, 1978.
  • Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản KHXH, 1992.
  • Tạ Ngọc Liễn, Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Thanh Niên, 2008.

(Nguồn: Wikipedia)