Nguyễn Văn Trỗi | |
---|---|
Nguyễn Văn Trỗi trước khi bị xử bắn | |
Sinh | 1 tháng 2 năm 1940 Quảng Nam, An Nam, Liên bang Đông Dương |
Mất | 15 tháng 10 năm 1964 (24 tuổi) Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa |
Mức phạt hình sự | Xử bắn |
Kết án | Giết người có kế hoạch |
Nguyễn Văn Trỗi (1 tháng 2 năm 1940 – 15 tháng 10 năm 1964) là một người đã thực hiện cuộc đánh bom không thành nhằm vào phái đoàn quân sự cao cấp do Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara và đại sứ Henry Cabot Lodge, Jr. đến thăm Việt Nam Cộng hòa vào tháng 5/1964 để hoạch định sách lược chiến tranh ở Việt Nam1 . Anh bị bắt giam và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa kết án tử hình.
Sau sự kiện này, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tôn vinh anh là một người chiến sỹ anh hùng trong Chiến tranh Việt Nam.
Tiểu sử
Nguyễn Văn Trỗi là con thứ ba (do đó còn có tên là Tư Trỗi) trong một gia đình nghèo tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, Việt Nam. Sau Hiệp ước Genève, Nguyễn Văn Trỗi một mình vào Sài Gòn sinh sống.2
Nguyễn Văn Trỗi làm thợ điện ở Nhà máy điện Chợ Quán và tham gia tổ chức Biệt động Sài Gòn, thuộc "Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn".3 Năm 1964, Trỗi được tập huấn cách đánh biệt động nội thành ở căn cứ Vườn Thơm, Đức Hòa (Long An).[cần dẫn nguồn]
Nguyễn Văn Trỗi lập gia đình với Phan Thị Quyên (1944 - 4/7/2019), đám cưới được tổ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 1964. Chỉ 19 ngày sau lễ kết hôn thì Nguyễn Văn Trỗi bị bắt. Bà Phan Thị Quyên cũng bị bắt sau vài ngày nhưng sau đó được thả ra vì không có bằng chứng kết tội. Hai người chưa có con với nhau.4 Sau đó bà Quyên tham gia cách mạng, năm 1969 thì ra Bắc. Năm 1973 bà Quyên lập gia đình mới. Năm 1980 bà về công tác tại Công ty Du lịch TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu.5
Sự kiện đặt mìn ở cầu Công Lý
Đầu năm 1964, Hoa Kỳ hủy bỏ kế hoạch Staley-Taylor, rồi đưa quân đội sang trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ. Phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu được cử đến Sài Gòn thị sát vào tháng 5/19642
Ngày 2 tháng 5 năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ từ tổ chức, cho đặt mìn ở cầu Công Lý nhằm tiêu diệt phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Ban đầu nhiệm vụ được giao cho một người khác, nhưng Trỗi xung phong đi thay vì vợ chồng người đồng đội đó đã có con, dù bản thân anh cũng mới cưới vợ được 10 ngày. Sự việc bại lộ, Nguyễn Văn Trỗi bị bắt bởi 2 sỹ quan Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa đang đi tuần lúc 22 giờ ngày 9 tháng 5 năm 19642 .
Bị xử bắn
Biết tin này, nhóm "Biệt đội du kích quân" chống chế độ thân Mỹ tại Venezuela đã đề nghị trao đổi con tin là sỹ quan Mỹ Michael Smolen bị họ bắt cóc ở Caracat. Tuy 2 bên đã có sự thỏa thuận, nhưng sau khi Michael Smolen được thả, chính phủ Sài Gòn đã xé bỏ thỏa thuận và đưa Nguyễn Văn Trỗi đi xử bắn bí mật tại sân sau nhà lao Khám Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 19642 , trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài6 .
Trước khi bị xử tử, anh đã hô lớn: "Hãy nhớ lấy lời của tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!"7 Tờ báo Miami News (Hoa Kỳ) ngày 15 tháng 10 năm 1964 đã có bài tường thuật vụ xử bắn7 8 :
- Người điệp viên Việt Cộng 24 tuổi (tức Nguyễn Văn Trỗi) đã hô to những khẩu hiệu "Hồ Chí Minh muôn năm!", "Mỹ - Ngụy hãy cút khỏi Việt Nam". Trỗi bị giải ra pháp trường nơi có 12 tay súng của Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa và Quân lực Việt Nam Cộng hòa chờ sẵn. Sau khi liên tục hô vang những lời đả kích đế quốc Mỹ, đả kích chính quyền tay sai (tức Việt Nam Cộng hòa) và Nguyễn Khánh, người thanh niên hô lớn lời chào vĩnh biệt dành cho Hồ Chí Minh, chủ tịch Bắc Việt Nam. Trỗi đã từ chối bịt mắt trước khi bị bắn, tuy nhiên đến phút chót, đội thi hành án quyết định bịt mắt anh lại.
An táng
Sau khi bị xử bắn, thi hài Nguyễn Văn Trỗi được chôn cất tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trưng Đông, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày 15 tháng 4 năm 2018, phần mộ Nguyễn Văn Trỗi được chuyển từ nghĩa trang Văn Giáp (quận 2) về khu vực các phần mộ tiêu biểu Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (quận 9) theo nguyện vọng của gia đình anh.9
Trong văn hóa đại chúng sau giải phóng ở Việt Nam
Trong văn học, hình tượng Nguyễn Văn Trỗi trở thành cảm hứng, cũng là nhân vật chính trong:
- Bài thơ "Hãy nhớ lấy lời tôi" của nhà thơ Tố Hữu
- Tập bút ký "Sống như anh" của Trần Đình Vân.
- Bài hát "Lời anh vọng mãi ngàn năm" với câu hát "Ôi tên anh truyền khắp hoàn cầu, vọng về nơi Venezuela, cuồn cuộn sôi trong muôn con tim người du kích châu Mỹ Latinh" (lấy cảm hứng từ sự kiện du kích Venezuela đã bắt sống trung tá Mỹ để mong trao đổi với Nguyễn Văn Trỗi).
- Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi - phim tài liệu, đạo diễn Bùi Đình Hạc.
- Nguyễn Văn Trỗi (1966) - phim truyện, đạo diễn Bùi Đình Hạc, Lý Thái Bảo.10
Sau khi chết, Nguyễn Văn Trỗi được truy nhận Đảng viên Nhân dân Cách mạng miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Thành đồng hạng nhất. Năm 2012, kỷ niệm 48 năm ngày mất, nhà tưởng niệm Nguyễn Văn Trỗi được khánh thành trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Tên Nguyễn Văn Trỗi được đặt cho nhiều con đường, nhiều trường học trên khắp Việt Nam.
Hồ Chí Minh sau đó đã ghi trong bức ảnh chụp Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của Anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập!"
Sau khi anh nguyễn Văn Trỗi bị Mỹ xử bắn, nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài thơ "Hãy Nhớ Lấy Lời Tôi":
- Có những phút làm nên lịch sử
- Có cái chết hoá thành bất tử
- Có những lời hơn mọi bài ca
- Có con người từ chân lý sinh ra.
- Nguyễn Văn Trỗi!
- Anh đã chết rồi
- Anh còn sống mãi
- Chết như sống, anh hùng, vĩ đại.
Một giải thưởng của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và một sân vận động ở Cuba cũng đã đặt theo tên ông (Sân vận động Nguyễn Văn Trỗi). Ca sĩ Jane Fonda, biệt danh Jane Hà Nội và chồng mình là Tom Hayden đã đặt tên cho con mình là Troy Garity sau này cũng là một diễn viên nổi tiếng, trong đó Troy được lấy theo tên danh dự của Nguyễn Văn Trỗi11 .
Chú thích
- ^ Greene, Felix Greene (1966). Vietnam! Vietnam! In photographs and text. Palo Alto, California: Fulton Publishing Company, LCCN 66-28359
- ^ a ă â b Lê Đức Hoàng, Người Anh hùng đặt mìn cầu Công Lý và chuyện 'trở mặt' của chính quyền Sài Gòn, báo Nghệ An, 26/08/2017 17:06, truy cập ngày 5/7/2019.
- ^ Nguyễn Thị Lành, Nhớ về anh: Nguyễn Văn Trỗi, Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng, 09:05 20/10/2015, truy cập ngày 5/7/2019.
- ^ Hoàng Sơn, Vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi: 'Anh là người rất ghét nói dối', báo Thanh Niên, 19:40 14/10/2014, ngày truy cập 5/7/2019.
- ^ Thanh Thùy, Bà Phan Thị Quyên, vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi qua đời, www.24h.com.vn, Thứ Năm ngày 04/07/2019 13:29 PM, truy cập ngày 5/7/2019.
- ^ Staff report. (23 October 1964). "Suggestions, Anyone?" Time
- ^ a ă The Indiana Gazette from Indiana, Pennsylvania · Page 8
- ^ https://news.google.com/newspapers?nid=1310&dat=19641015&id=0PtVAAAAIBAJ&sjid=BuMDAAAAIBAJ&pg=6722,2926448&hl=vi
- ^ “Hài cốt Nguyễn Văn Trỗi được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP HCM - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. 15 tháng 4 năm 2018. Truy cập 16 tháng 4 năm 2018.
- ^ Phim Nguyễn Văn Trỗi năm 1966 tại Internet Movie Database
- ^ “Profile of Troy Garity”. Tribute.
(Nguồn: Wikipedia)