Nguyễn Đức Thuận (1916 – 1985) là nhà cách mạng Việt Nam, nguyên là Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông là tác giả cuốn Bất khuất, một cuốn tự truyện từng gây tiếng vang ở miền Bắc về "sức chịu đựng kỳ diệu của một người chiến sĩ", suốt 8 năm bị tra tấn dã man vẫn không khuất phục..."1 ).
Quê quán
Nguyễn Đức Thuận tên thật là Bùi Phong Tư, tục danh là Tư Móm, quê làng Bản Ngũ, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Quá trình hoạt động cách mạng
Ông xuất thân công nhân, năm 1936 tham gia phong trào thợ thuyền ở Hà Nội, năm 1937 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940 là ủy viên trong Thành ủy Hà Nội, cuối năm 1940 bị bắt, kết án 15 năm khổ sai đày lên nhà tù Sơn La, đến cuối năm 1943 bị đày ra Côn Đảo1 .
Năm 1945, ông được đón về đất liền, cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một (nay là thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Năm 1947, ông làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.
Sau hiệp định Genève, ông ở lại miền Nam, đến năm 1956 bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt cùng với các đồng chí Trần Quốc Thảo, Hoàng Dư Khương đày Côn Đảo lần thứ hai.
Trở về từ nơi bị lưu đày, sau khi thống nhất đất nước, năm 1976 ông là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, rồi giữ chức Chủ tịch từ năm 1983 - 19852 . Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn Thế giới...
Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam từ khóa IV đến khóa VII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam của hai kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam IV và Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam V.
Ông mất năm 1985 tại Hà Nội, thọ 69 tuổi.
Tác phẩm
Nguyễn Đức Thuận có một cuốn tự truyện duy nhất và khá nổi tiếng tại miền Bắc lúc in lần đầu là cuốn Bất khuất. Cuốn sách này thuật lại toàn bộ thời gian ông bị bắt và chịu tù đày của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, và sách cũng từng gây chấn động miền Bắc và quốc tế về sức chịu đựng khó tin của một người chiến sĩ. Sách được xuất bản lần đầu vào tháng 4 năm 1967 với 210.000 bản in tại miền Bắc. Những năm sau đó, Nhà xuất bản Ngoại văn Việt Nam đã dịch tác phẩm Bất khuất ra 5 ngôn ngữ khác (Anh, Hoa, Nga, Pháp và quốc tế ngữ), in với số lượng lớn phát hành ra nước ngoài, nhằm gây chú ý của dư luận thế giới. Cuốn sách này có nhiều ý kiến tranh cãi về độ xác thực của một số chi tiết trong đó song vẫn được xem là một tác phẩm có giá trị nên đã được tái bản một số lần3 .
Tuy nhiên trong cuốn hồi ký Đèn cù, Trần Đĩnh cho rằng mình là người chấp bút tác phẩm này4
Cuộc sống gia đình
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Phương Nhu sinh năm 1927, con một nhà giáo ở Bình Định, năm 1945 cùng gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1946, bà tham gia hoạt động bí mật và được kết nạp vào Hội Phụ nữ cứu quốc Sài Gòn. Năm 1947, bà đã trốn nhà, thoát ly ra bưng biền, đến cơ quan Phụ nữ Nam Bộ, làm Uỷ viên thư ký Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Vĩnh Long. Lúc đó, bà là một trong 4 đại biểu của phụ nữ tỉnh đi dự Hội nghị cán bộ Phụ nữ Nam Bộ họp vào đầu năm 1950 tại xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá, giữa rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Đến tham dự hội nghị, có cả ông Lê Đức Thọ ở Trung ương cử vào, ông Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và ông Nguyễn Đức Thuận, Phó bí thư xứ uỷ Nam Kỳ. Sau hội nghị, Lê Đức Thọ mời bà ở lại làm việc trong Ban Tuyên huấn Phụ nữ Nam Bộ và có ý tác thành với Nguyễn Đức Thuận5 .
Vinh danh
Ngày 4 tháng 2 năm 2008 ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tên ông được dùng để đặt cho một con đường ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. Đường dài 3 km; từ đường Nguyễn Văn Linh - ngã ba quốc lộ 5 với quốc lộ 1B - đến ngã ba Kiên Thành - Trâu Quỳ (lối rẽ vào Khu công nghiệp vừa và nhỏ huyện Gia Lâm).
Tên ông được dùng để đặt cho một con đường ở phường Hiệp Thành, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình dương.
Chú thích
- ^ a ă Nguyễn Đức Thuận người anh hùng bất khuất
- ^ [1]
- ^ Tái bản tác phẩm "Bất khuất"
- ^ Ngô Nhân Dụng - Giới thiệu "ÐÈN CÙ, Số Phận Việt Nam Dưới Chế Ðộ Cộng sản" của TRẦN ÐĨNH, Diễn đàn Thế Kỷ, 07 07.08.2014
- ^ Vợ người anh hùng
(Nguồn: Wikipedia)