Mạc Thúy (chữ Hán: 莫邃; ?-1410) là tướng nhà Hồ trong lịch sử Việt Nam. Ông đã đem con em hợp tác với quân Minh chống lại nhà Hồ và các cuộc khởi nghĩa của người Việt. Nhờ lập được công, Mạc Thúy được nhà Minh phong làm Tham chính ở ty Bố chính Giao Chỉ, các em trai ông đều được nhà Minh phong chức. Mạc Thúy bị trúng tên độc chết khi tiến sâu vào đất Lạng Sơn để đánh cuộc khởi nghĩa do Nông Văn Lịch chỉ huy.
Thân thế
Mạc Thúy là dòng dõi trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Mạc Thúy người ở Chí Linh, thuộc Nam Sách 1 .
Mạc Đĩnh Chi sinh ra Mạc Dao, làm chức Tư hình viện đại phu. Mạc Dao sinh được bốn con, Địch, Thoan, Thúy và Viễn, người nào cũng có tài năng sức lực.
Hợp tác với quân Minh
Năm 1406, nhà Minh mang quân sang đánh nước Đại Ngu. Tháng 10 năm đó, quân Minh hội ở sông Bạch Hạc, bày doanh trại bờ bắc sông Cái, đến tận Chú Giang. Mạc Thúy bất mãn với nhà Hồ, từ phủ Nam Sách mang người nhà ra hàng tướng Minh là Trương Phụ. Trương Phụ lập tức thu dụng.
Sau vài thắng lợi, quân Minh tiến đến sông Phú Lương. Quân nhà Hồ chặn giữ. Trương Phụ và Mộc Thạnh chưa biết thực hư quân nhà Hồ ra sao nên chưa dám tiến quân qua sông. Lúc đó Mạc Thuý và cùng tri châu Tam Đái là Đặng Nguyên vẽ bản đồ địa hình xin làm hướng đạo cho quân Minh.
Ngày 13 tháng 12, được sự chỉ đường của Mạc Thuý, quân Minh dọc sông Phú Lương tiến xuống, đốt phá rào gỗ. Ngày 14 tháng 12, quân Minh đánh vào Đông Đô (Hà Nội), chiếm được thành.
Giữa năm 1407, nhà Hồ thua trận chạy vào nam. Quân Minh đuổi theo, Mạc Thúy mang quân đi cùng. Sau khi thượng hoàng Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt, Mạc Thúy sai bộ tướng là Nguyễn Như Khanh tiếp tục truy kích vua tôi nhà Hồ. Nguyễn Như Khanh bắt được vua Hồ Hán Thương và thái tử Hồ Nhuế ở núi Cao Vọng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Sau đó Mạc Thúy là người dẫn đầu đoàn bô lão An Nam báo lên nhà Minh rằng dòng dõi nhà Trần đã tuyệt diệt, xin nhập An Nam thành quận huyện Trung Quốc như trước2 .
Nhờ lập công, Mạc Thúy được nhà Minh phong làm Tham chính ở ty Bố Chính thuộc Giao Chỉ; anh ông là Mạc Địch được phong làm Chỉ huy sứ, em ông là Mạc Viễn được phong làm Diêm thiết sứ.
Năm 1408, Mạc Thúy cùng với Trương Phụ dẫn quân vào Diễn Châu, Giản Định đế và Đặng Tất không chống nổi phải rút về Hóa châu.3
Cái chết
Năm 1410, Nông Văn Lịch khởi nghĩa ở Lạng Sơn, chẹn lấp đường đi lại của người Minh, giết bắt vô số. Mạc Thúy đem quân tiến sâu vào đất Lạng Sơn, bị trúng tên thuốc độc mà chết.3
Đời sau
Con Mạc Thúy là Mạc Tung. Khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi đã nghiêm trị những người hợp tác với quân Minh nên Mạc Tung phải ẩn náu ở thôn xóm.
Mạc Tung sinh ra Mạc Bình. Mạc Bình dời đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (Hải Dương). Mạc Bình sinh ra Mạc Hịch. Mạc Hịch lấy Đặng Thị Hiếu sinh ra Mạc Đăng Dung – người sau trở thành võ quan nhà Hậu Lê và tới năm 1527 thì lật đổ nhà Hậu Lê, lập ra nhà Mạc.
Tham khảo
- Đại Việt thông sử; Soạn giả Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007
- Đại Việt sử ký toàn thư; Soạn giả Phan Phu Tiên, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên,...Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1993.
Chú thích
- ^ Đại Việt thông sử; Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007, tr 311, 312
- ^ Ming Shi-lu, Vol 11, trang 0916/17
- ^ a ă Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1993, bản điện tử, trang 319
Xem thêm
- Chiến tranh Minh-Đại Ngu
- Bắc thuộc lần 4
- Mạc Đĩnh Chi
- Mạc Đăng Dung
Tham khảo
- Đại Việt thông sử
- Đại Việt sử ký toàn thư
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục
(Nguồn: Wikipedia)