Lê Trang Tông 黎莊宗 | |
---|---|
Vua Việt Nam (chi tiết...) | |
Hoàng đế Đại Việt | |
Trị vì | 1533 - 1548 |
Tiền nhiệm | Lê Cung Hoàng |
Nhiếp chính |
|
Kế nhiệm | Lê Trung Tông |
Thông tin chung | |
Tên thật | Lê Duy Ninh (黎維寧) |
Niên hiệu | Nguyên Hòa (元和) |
Thụy hiệu | Dụ Hoàng đế (裕皇帝) |
Miếu hiệu | Trang Tông (莊宗) |
Triều đại | Nhà Lê trung hưng |
Thân phụ | Lê Chiêu Tông |
Thân mẫu | Phạm Thị Ngọc Quỳnh |
Sinh | 1515 |
Mất | 29 tháng 1, 1548 (33–34 tuổi) Thanh Hóa, Đại Việt |
An táng | Cảnh lăng (景陵), Lam Sơn, Thanh Hóa |
Lê Trang Tông (chữ Hán: 黎莊宗; 1515 - 1548), hay còn gọi là Trang Tông Dụ hoàng đế (莊宗裕皇帝), tên thật là Lê Ninh (黎寧), là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông còn được dân gian ưu ái đặt cho mỹ danh nghèo nàn Chúa Chổm.
Lê Duy Ninh là con trai của vua Lê Chiêu Tông; lúc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông được Lê Quán cõng chạy sang Ai Lao. Đến năm 1532, được cựu thần Nguyễn Kim đón về làm vua, tái lập triều đại. Đến khoảng đầu thập niên 1540, quân Lê chiếm lại hai vùng Thanh Hóa và Nghệ An làm căn cứ chống lại nhà Mạc, mở ra giai đoạn Nam - Bắc triều. Ông qua đời vào năm 1548, ngôi hoàng đế được truyền cho hoàng tử Lê Huyên, tức Lê Trung Tông.
Thân thế
Đầu thế kỷ 16, nhà Hậu Lê suy yếu. Sau khi các cuộc khởi nghĩa Trần Tuân, cha con Trần Cảo bị dẹp, quyền hành lọt vào tay các tướng lĩnh. Các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau. Cuối cùng, Mạc Đăng Dung thu được thắng lợi, giết hai anh em vua Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc (1527).
Lê Ninh là con trai duy nhất của vua Lê Chiêu Tông, mẫu thân là bà Phạm Thị Ngọc Quỳnh, người sách Cao Trĩ, huyện Thụy Nguyên, trấn Thanh Hóa1 . Năm 1527, Mạc Đăng Dung thoán ngôi nhà Lê, Lê Ninh cùng mẹ được quan đại thần Lê Quán cõng chạy trốn sang Ai Lao. Năm 1533, cựu thần nhà Hậu Lê là Nguyễn Kim không phục nhà Mạc, chạy vào Thanh Hoá lập lực lượng riêng rồi đón lập Lê Ninh tại Ai Lao, tức là Lê Trang Tông, tái lập nhà Hậu Lê.
Sử sách ghi Trang Tông là con của Lê Chiêu Tông, sinh năm 1514. Điều đó khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ vì khoảng cách tuổi tác giữa vua cha Chiêu Tông và vua con Trang Tông quá ngắn, chỉ có 8 năm2 . Nhà Mạc, trong biểu tâu nhà Minh, phân trần về việc cướp ngôi nhà Lê nói rằng: Nguyễn Kim dựng con mình lên ngôi, nói dối là con của vua Chiêu Tông. Vả chăng húy của Trang Tông là Duy Ninh, thậm chí có thể là nhánh của Lê Trừ, vì con cháu Lê Trừ đều có tên lót là Duy[cần dẫn nguồn].
Nối lại nhà Lê
Nguyễn Kim
Vừa lên ngôi,, Trang Tông bàn luận về công tôn phò, lập Nguyễn Kim làm Thượng phụ, Thái sư Hưng quốc công, nắm giữ binh quyền; Đinh Công làm Thiếu úy Hùng quốc công, các tướng tá khác đều được phong thưởng theo thứ bậc. Nhà vua dựa vào vua Sạ Đẩu nước Ai Lao để mộ quân, trưng lương chống lại họ Mạc3 .
Trang Tông sai Trịnh Duy Liêu đi sứ nước Minh, vượt biển từ Chiêm Thành đi ghé thuyền buôn Quảng Đông. Theo Minh sử, đến năm 1537, mới đến Yến Kinh, tâu lên Gia Tĩnh đế nhà Minh về việc thoán nghịch của họ Mạc và xin nhà Minh giúp quân1 3 . Vua Minh có ý nghi ngờ, bọn Duy Liêu liền viết thư dài để trình bày, tự sánh mình với Thân Bao Tư4 và Trương Tử Phòng5 ngày xưa.
Vì Trịnh Duy Liêu đi sứ đã lâu mà không thấy tăm hơi, nên đến năm 1536, Trang Tông lại sai Trịnh Viên sang nhà Minh, thỉnh cầu Trung Quốc phát binh đánh họ Mạc. Các đại thần nhà Minh đều chủ trương thảo phạt họ Mạc. Tháng 2 ÂL năm 1537, Gia Tĩnh đế hạ lệnh cho Cừu Loan và Mao Bá Ôn cùng đánh Mạc Đăng Dung1 3 . Mùa hạ cùng năm, tướng nhà Mạc là Tây An hầu Lê Phi Thừa cai quản bảy huyện Thanh Hoa, thu vén vơ vét chỗ đinh tam ti mà sang Ai Lao quy thuận nhà Lê, được nhà vua cho giữ nguyên chức cũ, nhưng về sau vì kiêu ngạo mà bị giết.
Năm 1539, Trang Tông dùng con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm làm Dực quốc công, cùng Trịnh Công Năng và Lại Thế Vinh cùng đánh họ Mạc. Quân Lê đánh bại quân Mạc ở Lôi Dương6 . Mùa đông năm 1540, quân Minh do Mao Bá Ôn chỉ huy kéo quân đến sát biên giới với nước ta, Mạc Đăng Dung hèn hạ dâng biểu xin hàng, tự cởi trần, trói mình cùng với hơn 40 quan lại đến ải Nam Quan thú tội, tình nguyện dâng nạp sáu động thuộc châu Vĩnh An quy về Khâm châu của nhà Minh1 3 . Năm 1541, Gia Tĩnh đế đổi An Nam quốc thành An Nam đô thống sứ ti, trao cho Đăng Dung chức đô thống sứ; đổi đặt toàn quốc làm mười ba tuyên phủ ti, cho lệ thuộc vào đất nhà Minh. Từ đó nhà Minh đồng ý công nhận họ Mạc cai trị Đại Việt.
Mùa xuân năm 1542, nhà vua đích thân làm tướng ra đánh Thanh Hoa, dùng quận Thụy Hà Thọ Tường làm Ngự doanh đề thống. Nguyễn Kim dẫn quân đi trước, tấn công Thanh - Nghệ, nhiều người hưởng ứng theo, thanh thế rất lẫy lừng1 3 . Năm 1543, vua tiến quân ra từ thành Tây Đô, tướng Mạc là Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất hầu đầu hàng. Nhà vua sai Trịnh Công Năng đem chiếu thư gọi Nguyễn Kim về nước. Nguyễn Kim vào gặp vua ở sông Nghĩa Lộ, được phong làm Thái tể, Đô tướng tiết chế tướng sĩ chư doanh. Lại đem quân bình định vùng đất phía tây nam, thường giành thắng lợi. Về sau Trịnh Công Năng làm phản, Trang Tông sai Dực quận công Trịnh Kiểm đi đánh, giết được Năng.
Trịnh Kiểm
Tháng 4 ÂL năm 1545, Trang Tông tiến quân đến Yên Mô7 . Dương Chấp Nhất mời Nguyễn Kim đến chỗ mình rồi bí mật giết chết, quay lại với nhà Mạc. Nhà vua truy tặng là Chiêu Huân Tĩnh công, thụy Trung Hiến, dùng con là Nguyễn Uông làm Lãng quận công, Nguyễn Hoàng làm Hạ Khê hầu, cầm quân đánh họ Mạc1 3 . Mùa thu năm đó, ông dùng Trịnh Kiểm làm đô tướng, tiết chế các doanh quân thủy quân bộ, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, gia phong Thái sư, tước Lạng quốc công. Mọi việc trong nước hết thảy do Trịnh Kiểm quyết đoán, sau mới tâu lên vua. Theo đề nghị của Trịnh Kiểm, vào đầu năm 1546, nhà vua cho lập hành điện ở sách Vạn Lại8 là chỗ hiểm trở.
Ngày 29 tháng 1 năm 1548 Trang Tông qua đời, hưởng thọ 34 tuổi. Trịnh Kiểm lập con ông là thái tử Huyên lên nối ngôi, tức là Lê Trung Tông, táng di thể của ông lại Cảnh lăng, phía nam Lam Sơn1 3 .
Niên hiệu
- Nguyên Hòa9 : 1533-1548
Giai thoại về Chúa Chổm và câu thành ngữ
Giai thoại dân gian kể rằng Lê Duy Ninh ngày bé tên là Chổm, mẹ ông từng tình cờ được gặp vua Lê Chiêu Tông một lần khi vua đang bị Mạc Đăng Dung giam lỏng ở phường Đông Hà; sau đó có mang và sinh ra Chổm.
Chổm lớn lên nhà nghèo, phải đi vay mọi người để sống qua ngày và hứa sẽ trả đủ nợ. Bỗng gặp lúc Nguyễn Kim khởi binh chống nhà Mạc, tìm được Chổm là dòng dõi nhà Lê nên lập làm vua.
Công cuộc diệt Mạc thắng lợi, vua Chổm trở lại kinh thành Thăng Long. Khi đi qua làng cũ chỗ mẹ con Duy Ninh lánh nạn, một số người bán chịu cho Ninh ngày xưa đổ lại đòi tiền. Họ không biết Duy Ninh làm chức gì nhưng thấy được đi xe giá, quân lính hộ vệ thì chắc là Ninh đã thành đạt, nên họ nhắc lại lời hứa của Ninh. Có nhiều người không phải là chủ nợ nhưng cũng đổ xô lại yêu cầu, đòi hỏi. Người người tấp nập đầy đường, chỉ vào vua mà đòi nợ.
Nhà vua không biết mình nợ ai và cũng không biết làm sao mà trả cho hết nên truyền miễn thuế một năm cho dân cả làng để trừ. Mặt khác, triều đình ra lệnh cấm những người đòi nợ chỉ tay xúc phạm vua. Do đó con đường nhỏ có tên là Cấm Chỉ - ngõ có tên tồn tại đến ngày nay ở Hà Nội.
"Nợ như chúa Chổm" trở thành một thành ngữ chỉ những người thiếu nợ quá nhiều. Người đời có câu ca dao:
- Vua Ngô ba sáu tấn vàng
- Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
- Chúa Chổm mắc nợ tì tì
- Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô?
Giai thoại này không có thật. Trên thực tế Lê Duy Ninh tới hết đời vẫn chưa khôi phục được kinh thành Thăng Long.
Xem thêm
Chú thích
- ^ a ă â b c d đ Đại Việt sử ký bản kỉ tục biên, quyển 16.
- ^ Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Chiêu Tông sinh năm 1506
- ^ a ă â b c d đ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, quyển 27.
- ^ Người nước Sở đời Xuân Thu. Khi quân Ngô đánh phá nước Sở, Bao Tư sang Tần cầu cứu, khóc đến bảy ngày làm vua Tần Ái công cảm động, phải dấy quân cứu nước Sở.
- ^ Tên tự của Trương Lương, trung với nước Hàn, mưu sát Tần Thủy Hoàng ở Bác Lãng Sa để báo thù cho nước. Sau giúp Hán Cao Tổ, thống nhất thiên hạ.
- ^ Nay thuộc tỉnh Thanh Hóa
- ^ Nay thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình
- ^ Nay thuộc huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa
- ^ Bảng tra niên hiệu các triều vua Việt Nam
(Nguồn: Wikipedia)