LÊ ĐỨC ĐẠT
Tiểu sử
Sinh 1928
Hà Đông, Việt Nam
Mất 24 tháng 4, 197224 tháng 4 năm 1972 (44 tuổi)
Tân Cảnh, Kontum
Việt Nam
Binh nghiệp
Phục vụ Flag of South Vietnam.svg Việt Nam Cộng hòa
Thuộc Flag of the South Vietnamese Army.jpg Quân lực VNCH
Năm tại ngũ 1951-1972
Cấp bậc US-O7 insignia.svg Chuẩn tướng
Đơn vị Flag of ARVN Armored Cavalry Regiment.png Binh chủng Thiết giáp
ARVN 22nd Division Insignia.svg Sư đoàn 22 Bộ binh
Cờ Thẳng tiến.png Sư đoàn 25 Bộ binh
Chỉ huy Flag of the Vietnamese National Army.svg Quân đội Quốc gia
Flag of the South Vietnamese Army.jpg Quân lực VNCH
Tham chiến Chiến tranh Việt Nam
Khen thưởng B.quốc H.chương đệ III1
Công việc khác Tỉnh trưởng

Lê Đức Đạt (1928-1972), nguyên là một sĩ quan cao cấp gốc Kỵ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tá. Ông xuất thân từ trường Võ bị Liên quân do Chính phủ Quốc gia Việt Nam thành lập dưới sự hỗ của Quân đội Pháp tại nam Cao nguyên Trung phần. Ra trường ông được chọn về Binh chủng Thiết giáp. Ông đã phục vụ ở đơn vị này được một thời gian ngắn, sau chuyển sang đơn vị Bộ binh. Năm 1972 khi đang là Tư lệnh Sư đoàn Bộ binh, ông tử trận. Được truy thăng cấp bậc Chuẩn tướng.

Tiểu sử & Binh nghiệp

Ông sinh năm 1928 trong một gia đình doanh nhân tại Hà Đông (nay thuộc Tp Hà Nội) miền Bắc Việt Nam. Năm 1947, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Được bổ dụng làm công chức một thời gian trước khi gia nhập quân đội.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Tháng 6 năm 1951, thi hành lệnh động viên của Chính phủ Quốc gia Việt Nam, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia,2 mang số quân: 48/300.374. Theo học khóa 5 Hoàng Diệu3 tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, khai giảng ngày 1 tháng 7 năm 1951. Ngày 24 tháng 4 năm 1952 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường, ông được chọn về đơn vị Thiết giáp và tiếp tục theo học khóa căn bản Binh chủng tại Trung tâm Huấn luyện Thiết giáp Viễn Đông của Pháp tại Vũng Tàu. Tháng 9 năm 1952 mãn khóa về đơn vị, ông được cử làm Trung đội trưởng thuộc Đại đội 5 Thám thính,4 đồn trú tại Thái bình. Cuối năm 1953, ông được thăng cấp Trung úy giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 5 Thám thính.

Đầu tháng 1 năm 1954, ông được chuyển qua làm Trưởng ban Hành quân tại Bộ chỉ huy Trung đoàn 3 Thám thính tân lập tại Hà Đông. Tháng 11 cùng năm ông được thăng cấp Đại úy và được cử đi du học khóa cao cấp Thiết giáp tại trường Thiết Kỵ Saumur Pháp, đến tháng 8 năm 1955 mãn khóa.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Năm 1956, sau một thời gian ngắn từ Quân đội Quốc gia chuyển sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa ông được thăng cấp Thiếu tá và được cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Thám thính đồn trú tại Ban Mê Thuột, thay thế Thiếu tá Trần Văn Ái.5 Giữa năm 1957, Trung đoàn 3 Thám thính được đổi tên thành Trung đoàn Thiết giáp, ông được lệnh bàn giao Trung đoàn lại cho Thiếu tá Nguyễn Đình Bảng.6 Ngay sau đó được cử đi làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Cơ giới Bảo an ở Vũng Tàu.

Đầu tháng 11 năm 1963, sau cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm (ngày 1 tháng 11). Ngày 3 tháng 11, ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm. Đầu năm 1964, sau cuộc Chỉnh lý ngày 30 tháng 1 của tướng Nguyễn Khánh, ông biệt phái sang lĩnh vực Hành chính Quân sự và được bổ nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Phước Tuy.

Cuối năm 1967, ông nhận lệnh bàn giao tỉnh Phước Tuy lại cho Trung tá Trần Vãng Khoái.7 Trở lại quân đội ông được chuyển sang đơn vị Bộ binh và được cử làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 25 Bộ binh. Giữa năm 1968, ông được thăng chức làm Tư lệnh phó Sư đoàn 25. Tháng 6 năm 1969, ông được thăng cấp Đại tá và chuyển ra Quân khu 2 giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn 22 Bộ binh.

Đầu tháng 3 năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh thay thế Thiếu tướng Lê Ngọc Triển xin từ nhiệm vì lý do sức khoẻ.

Thất thủ và tử trận

Ngày 24 tháng 4 năm 1972 (Mùa Hè Đỏ Lửa), Quân đội Bắc Việt đã điều động một lực lượng gồm nhiều đơn vị hùng mạnh được tăng cường Trọng pháo và Thiết giáp hạng nặng cùng Bộ binh tùng thiết, dùng chiến thuật biển người tấn công Bộ tư lệnh Tiền phương của Sư đoàn 22 Bộ binh trấn đóng tại Tân Cảnh, Dakto. Ông chỉ huy đơn vị trú phòng chống trả mãnh liệt cho đến lúc thế cùng lực kiệt. Để tránh lọt vào tay địch, ông đã rời hầm chỉ huy mở đường máu thoát ra sân bay L.19 thì lọt vào ổ phục kích. Địch quân liền nổ súng liên hồi, ông hy sinh tại nơi này lúc 17 giờ 45 buổi chiều cùng ngày8 . Hưởng dương 44 tuổi (cũng là thời điểm Tân Cảnh bị thất thủ).

Ông được truy thăng cấp bậc Chuẩn tướng và truy tặng Đệ Tam đẳng Bảo quốc Huân chương.

Gia đình

Phu nhân: Bà Nguyễn Thị Bích Lộc (sau 1975, cùng con cháu định cư ở Pháp).

Chú thích

  1. ^ Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng (truy tặng).
  2. ^ Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập từ năm 1950, tuy nhiên vãn còn là một Lực lượng Vũ trang Địa phương (LOCAL) nằm trong Quân đội Liên hiệp Pháp. Cho đến năm 1952 mới được thành lập Bộ Tổng Tham mưu và chính thức tách rời khỏi Quân đội Liên hiệp.
  3. ^ -Tốt nghiệp khóa 5 Hoàng Diệu, sau này lên tướng còn có:
    -Cấp Trung tướng:
    -Phan Trọng Chinh (Sinh năm 1931 tại Bắc Ninh. Chức vụ sau cùng: Chỉ huy trưởng trường Chỉ huy và Tham mưu)
    -Dư Quốc Đống (Sinh năm 1932 Rạch Giá. Chức vụ sau cùng: Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng)
    -Nguyễn Vĩnh Nghi (Sinh năm 1932 tại Gia Định. Chức vụ sau cùng: Tư lệnh phó Quân đoàn III)
    -Nguyễn Văn Toàn (Sinh năm 1932 tại Huế. Chức vụ sau cùng: Tư lệnh Quân đoàn III)
    -Cấp Thiếu tướng:
    -Trần Bá Di (Sinh năm 1931 tại Mỹ Tho. Chức vụ sau cùng: Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Quang Trung)
    -Đỗ Kế Giai (Sinh năm 1929 tại Bến Tre. Chức vụ sau cùng: Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Binh chủng Biệt động quân)
    -Cấp Chuẩn tướng:
    -Trần Văn Cẩm (Sinh năm 1930 tại Quảng Trị. Chức vụ sau cùng: Tư lệnh phó Quân đoàn II)
    -Chương Dzềnh Quay (Sinh năm 1928 tại Hải Ninh. Chức vụ sau cùng: Tham mưu trưởng Quân đoàn IV)
    -Lê Văn Tư (Sinh năm 1931 Mỹ Tho. Chức vụ sau cùng: Tư lệnh Sư đoàn 25 Bộ binh).
  4. ^ Đơn vị Thám thính trực thuộc Lực lượng Thám thính Xa, tên gọi thời Quân đội Liên hiệp Pháp, tiền thân của Binh chủng Thiết giáp-Kỵ binh sau này.
  5. ^ Về sau giải ngũ ở cấp Trung tá
  6. ^ Sinh năm 1928 tại Nam Định, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Đà Lạt. Chức vụ sau cùng: Đại tá Thị trưởng Cam Ranh.
  7. ^ Sinh năm 1922 tại Hà Nội, tốt nghiệp Võ bị Địa phương Bắc Việt. Chức vụ sau cùng: Uỷ viên trong Nha Tổng Thanh tra QLVNCH
  8. ^ Cố Chuẩn tướng Lê Đức Đạt đã hy sinh tại mặt trận. Được ghi nhận là tử trận mất xác.

Tham khảo

  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

(Nguồn: Wikipedia)