Lạc Việt (chữ Hán: 雒越 hoặc 駱越 hoặc 貉越) là tên gọi của một trong các dân tộc Việt trong nhóm Bách Việt. Người Lạc Việt đã từng sinh sống ở vùng đất mà nay là Tây Nam Quảng Đông, Đông Nam Quảng Tây (Trung Quốc), và miền Bắc Việt Nam. Người Lạc Việt là tổ tiên của một số dân tộc Việt Nam như Kinh, Mường [cần dẫn nguồn], và còn được cho là tổ tiên của các tộc người Tráng ở Trung Quốc1 .

Cổ sử và truyền thuyết

Theo truyền thuyết của Việt Nam, tổ của người Lạc Việt bắt nguồn từ vùng Động Đình Hồ, nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, và địa bàn sinh sống lan rộng xuống tận vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam ngày nay. (Xem Hồng Bàng). Sử sách của Việt Nam cũng chỉ trích dẫn từ các truyền thuyết này. Nguồn cổ sử duy nhất có nói đến Lạc Việt là một số rất ít các sách cổ của Trung Quốc, và các sách này cũng chỉ ghi lai rất ít thông tin.

Tài liệu cổ nhất viết về Lạc Việt là Giao Châu Ngoại Vực Ký (thế kỷ 4), được sách Thủy Kinh Chú (thế kỷ 6) dẫn lại như sau:

"Thời xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, thì đất đai có Lạc Điền, ruộng ấy là ruộng (cầy cấy) theo con nước thủy triều. Dân khai khẩn ruộng ấy mà ăn nên gọi là Lạc Dân. Có Lạc Vương, Lạc Hầu làm chủ các quận huyện. Ở huyện phần đông có Lạc Tướng. Lạc Tướng có ấn bằng đồng, (đeo) giải (vải màu) xanh. Về sau con vua Thục đem ba vạn lính đánh Lạc Vương Lạc Hầu, thu phục các Lạc Tướng. Con vua Thục nhân đó xưng là An Dương Vương"

Liam C. Kelley (2012) chỉ ra rằng những truyền thuyết về Hùng Vương, họ Hồng Bàng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, nhà nước Văn Lang được tầng lớp quý tộc Việt Nam bị Hán hóa vào thời trung cổ sáng tạo ra nhằm tạo ra bản sắc riêng cho họ khi so sánh với di sản văn hóa của Trung Hoa còn lại tại miền bắc Việt Nam.2 Những tên gọi như Mỵ Nương, Quan Lang, Bồ Chính đều là những từ mượn từ ngôn ngữ Tai (Thái), chính xác hơn chúng là những từ Tai bị Hán hóa.3

Sử ký Tư Mã Thiên, Nam Việt Úy Đà liệt truyện, có nói về chuyện Triệu Đà thôn tính vùng đất phía Nam, trong đó có nước Âu Lạc - quốc gia do vua An Dương Vương thống nhất và được cho là sự hợp nhất của hai nhóm Lạc Việt và Âu Việt.

Thông tin thêm

Theo giáo sư Vũ Thế Ngọc 4 , chữ "lạc" trong Lạc Việt bắt nguồn từ lak hay nak nghĩa là "nước" trong tiếng Việt cổ. Cũng theo lập luận của ông, chữ "lạc" và chữ "hùng" trong "Hùng Vương" thực ra chỉ là hai phiên âm Hán của cùng một khái niệm Việt: "lạc điền" là ruộng nước, dân Lạc Việt là dân biết trồng lúa nước, "lạc tướng" là các tướng của dân Lạc Việt; nhưng khi phiên âm lại bằng tiếng Hán, chữ "Hùng" có ý nghĩa mạnh và đẹp hơn, nên Lạc Vương (vua của dân Lạc Việt) được đổi thành Hùng Vương.

Chú thích

  1. ^ [1]
  2. ^ Kelley, Liam C. (2012). The Biography of the Hồng Bàng Clan as a Medieval Vietnamese Invented Tradition". Journal of Vietnamese Studies, Vol. 7, No. 2: 87-122, published by: University of California Press.
  3. ^ Kelley, Liam C. (2013). Tai Words and the Place of the Tai in the Vietnamese Past". Journal of the Siam Society Vol. 101: 81-82.
  4. ^ Vũ Thế Ngọc, Ý Nghĩa Quốc Hiệu Lạc Việt

Xem thêm

  • Bách Việt
  • Hồng Bàng
  • Việt (nước)

(Nguồn: Wikipedia)