Đặng Tiểu Bình 邓小平 | |
---|---|
Đặng Tiểu Bình năm 1979 | |
Chức vụ | |
Chủ nhiệm Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc | |
Nhiệm kỳ | 13 tháng 9 năm 1982 – 2 tháng 11 năm 1987 5 năm, 50 ngày |
Tiền nhiệm | Chức vụ được thành lập |
Kế nhiệm | Trần Vân |
Phó Chủ nhiệm | Bạc Nhất Ba Hứa Thế Hữu Đàm Chấn Lâm Lý Duy Hán |
Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc | |
Nhiệm kỳ | 28 tháng 6 năm 1981 – 9 tháng 11 năm 1989 8 năm, 134 ngày |
Tiền nhiệm | Hoa Quốc Phong |
Kế nhiệm | Giang Trạch Dân |
Phó Chủ tịch | Diệp Kiếm Anh Triệu Tử Dương Dương Thượng Côn |
Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa | |
Nhiệm kỳ | 6 tháng 6 năm 1983 – 19 tháng 3 năm 1990 6 năm, 286 ngày |
Tiền nhiệm | Lưu Thiếu Kỳ (Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng,năm 1968) |
Kế nhiệm | Giang Trạch Dân |
Phó Chủ tịch | Diệp Kiếm Anh Triệu Tử Dương Dương Thượng Côn |
Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc | |
Nhiệm kỳ | 3/8/1978 – 17/6/1983 |
Tiền nhiệm | Chu Ân Lai |
Kế nhiệm | Đặng Dĩnh Siêu |
Phó Chủ tịch | Ô Lan Phu Vi Quốc Thanh Bành Trùng Triệu Tử Dương |
Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc | |
Nhiệm kỳ | 5/1/1975 – 7/4/1976 17/7/1977-2/3/1980 |
Tiền nhiệm | Hoàng Vĩnh Thăng |
Kế nhiệm | Dương Đắc Chí |
Phó Tổng Tham mưu trưởng | Ngũ Tu Quyền Vương Tranh Trì Hạo Điền |
Phó Tổng lý Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa | |
Nhiệm kỳ | 3/1954 – 10/1968 2/1973-4/1976 8/1977-9/1980 |
Tổng lý | Chu Ân Lai → Hoa Quốc Phong |
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc | |
Nhiệm kỳ | 10/1/1975 – 7/4/1976 19/8/1977-12/9/1982 |
Chủ tịch | Mao Trạch Đông → Hoa Quốc Phong → Hồ Diệu Bang |
Thông tin chung | |
Đảng phái | Đảng Cộng sản Trung Quốc |
Sinh | 22 tháng 8, 1904 |
Mất | 19 tháng 2, 1997 (92 tuổi) |
Học vấn | Đại học |
Trường | Đại học Trung Sơn Moscow |
Nghề nghiệp | Chính trị gia, nhà Quân sự,nhà Ngoại giao,nhà Cách mạng |
Vợ | Trương Tích Viên (kết hôn 1928–1929) Kim Duy Ánh (kết hôn 1931–1933) Trác Lâm (kết hôn 1939–1997) |
Con cái | Đặng Lâm (1941-) Đặng Phác Phương (1944-) Đặng Nam (1945-) Đặng Dung (1950-) Đặng Chất Phương (1952-) |
Đặng Tiểu Bình (cần dẫn nguồn].
giản thể: 邓小平; phồn thể: 鄧小平; bính âm: Dèng Xiǎopíng; 22 tháng 8 năm 1904 - 19 tháng 2 năm 1997) có tên khai sinh là Đặng Tiên Thánh, khi đi học mới đổi là Đặng Hi Hiền (邓希贤), là một lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tên gọi Đặng Tiểu Bình được ông dùng từ năm 1927, sau khi Tưởng Giới Thạch đàn áp phong trào cách mạng Cộng sản tại Thượng Hải[Tuy rằng ông chưa bao giờ có chức vụ nguyên thủ quốc gia hay đứng đầu chính phủ nhưng ông là người đã cầm quyền trên thực tế (lãnh tụ) tại Trung Quốc trong suốt những năm cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1990. Ông từng giữ qua các chức vụ: Phó Chủ tịch Đảng, Tổng thư ký Trung ương Thư ký Xứ Đảng Cộng sản Trung Quốc (còn gọi là Tổng thư ký Ban Bí thư Trung ương), Phó Thủ tướng Quốc vụ viện (1952-1966, 1973-4/1976, 7/1977-1987), Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (1978-1983). Đặc biệt là Chủ nhiệm Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng (1982-1987) và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (6/1981-6/1989). Với vai trò là lãnh tụ tối cao của đất nước, ông đã khởi xướng công cuộc cải cách nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa theo hướng "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc", có công thu hồi Hồng Kông và Ma Cao với chính sách "một nước hai chế độ".
Tiểu sử
Thời niên thiếu
Ông sinh tại thôn Bài Phường, xã Hiệp Hưng, huyện Quảng An, phía đông tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, và là con trai ông Đặng Thiệu Xương (tự Văn Minh), một địa chủ khá giả và là hội viên của một hội nhóm hoạt động bí mật nhằm khích động lật đổ triều đình quân chủ,1 và bà Đàm Thị, vợ thứ hai. Bà vợ đầu không có con, bà thứ hai (Đàm Thị) sinh được một gái đầu và 3 trai: Đặng Tiên Liệt, Đặng Tiểu Bình, Đặng Khẩn, Đặng Thục Bình. Bà thứ ba sinh được một trai, bà thứ tư (Hạ Bá Căn) sinh được 2 trai, 3 gái. Mẹ đẻ Đặng Tiểu Bình mất sớm, nên sau này ông đã mời mẹ kế Hạ Bá Căn từ quê lên thủ đô sống chung cùng gia đình ông.
Sau khi vào học trung học tại huyện nhà, cha Đặng Tiểu Bình đã xin cho Đặng Tiểu Bình theo học Trường dự bị cần công kiệm học Trùng Khánh để chuẩn bị xuất dương sang Pháp. Ngày 7 tháng 9 năm 1920, sau khi được Tổng lãnh sự Pháp tại Trùng Khánh trực tiếp sát hạch, Hi Hiền cùng 79 bạn khác lên tàu thủy đi Marseille. Ông đã học ở Pháp, giống như những nhà cách mạng có tiếng khác của Châu Á như Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai. Tại đây ông đã đi theo học thuyết Marx-Lenin, gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản năm 1922 và Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1924.
Sang Nga
Năm 1926, Đặng Tiểu Bình rời Paris sang Nga học trường Đại học Tôn Trung Sơn Moscow. Ông cùng học với Tưởng Kinh Quốc.
Ông về nước đúng lúc đang diễn ra chiến tranh Bắc phạt. Ông làm ủy viên chính trị trong quân đoàn của Phùng Ngọc Tường, tham gia Bắc phạt. Sau khi bị Phùng Ngọc Tường cho giải ngũ, ông đi Tây An rồi Hán Khẩu, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Năm 1938, lúc ông chỉ huy kháng Nhật ở Thái Hàng Sơn thì cha ông bị thổ phỉ chặt đầu.
Những năm tiếp theo
Sau giải phóng, ông làm Bí thư thứ nhất Cục Tây Nam Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch Quân ủy Tây Nam, Chính ủy Quân khu Tây Nam (đóng trụ sở tại Trùng Khánh), kiêm thành viên Chính phủ Nhân dân Trung ương.
Tháng 7 năm 1952, ông được cử làm Phó Tổng lý (Phó Thủ tướng) Chính vụ viện (sau đổi là Quốc vụ viện), kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-kinh tế. Năm 1955, ông cùng Lâm Bưu được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1956, ông vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, làm Tổng Bí thư Ban bí thư Trung ương, đứng cuối cùng (thứ 6) trong Ban Thường vụ, sau Mao Trạch Đông (Chủ tịch Đảng), Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai, Chu Đức và Trần Vân (đều là Phó Chủ tịch Đảng).
Năm 1966, trong Cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình bị phê phán nặng nề là "tên số hai trong Đảng đi theo chủ nghĩa tư bản", rồi bị cách tuột hết mọi chức vụ. Từ năm 1969 đến năm 1972, hai vợ chồng ông bị đưa về Giang Tây, con cái đều bị đưa đi cải tạo ở các tỉnh khác.
Ngày 20 tháng 3 năm 1973, ông rời Giang Tây, quay trở lại Trung Nam Hải (Bắc Kinh), sau khi được phục hồi công tác. Ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi Phó Chủ tịch Đảng. Về mặt chính quyền, ông trở lại cương vị Phó Thủ tướng, rồi Phó Thủ tướng thứ nhất. Khi Chu Ân Lai lâm bệnh nặng, ông chủ trì công việc của Quốc vụ viện.
Năm 1976, sau khi Chu Ân Lai mất, thế lực chống đối viện cớ ông có tư tưởng phản cách mạng và tác động đến Mao Trạch Đông, vì vậy ông lại bị Mao Trạch Đông cách hết các chức vụ, chỉ còn danh hiệu đảng viên và hộ khẩu Bắc Kinh. Ông là người phát động phong trào biểu tình ủng hộ cố thủ tướng Chu Ân Lai ngày 5 tháng 4 năm 1976.
Sau khi nhóm người được gọi là "bè lũ bốn tên" bị lật đổ, Đặng Tiểu Bình được khôi phục tất cả các chức vụ (1978): Phó Chủ tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng. Từ đây, ông bắt đầu đưa Trung Quốc bước vào kỉ nguyên cải cách mở cửa.
Sau khi trở lại chính trường, năm 1978 Đặng Tiểu Bình tung ra chương trình ‘Bốn hiện đại hóa’ và lại để cho dân dán ‘Đại tự báo’ nhưng lần này là để tố cáo những đau khổ do Cách mạng Văn hóa gây ra.
Năm 1979, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ nhằm bình thường hoá quan hệ hai nước. Ngay sau đó ông chỉ đạo "dạy cho Việt Nam một bài học" trong chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 mà kéo dài cho tới 1990 (xem Xung đột Việt–Trung 1979–90), vì Việt Nam đã đưa quân dánh đuổi chế độ Pol Pot ở Kampuchia, một đồng minh của Trung Quốc.2 . Nó cũng nằm trong chính sách Đặng Tiểu Bình theo đuổi nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á. Suốt một thời gian dài sau đó, chính sách bao vây kinh tế và pháo kích biên giới của Đặng Tiểu Bình đã gây nhiều khó khăn cho Việt Nam.3
Sự kiện Thiên An Môn
Vào năm 1989, Sự kiện Thiên An Môn diễn ra, đây là cuộc biểu tình đòi dân chủ của các sinh viên Trung Quốc. Một số nguồn cho rằng Đặng Tiểu Bình theo phe ủng hộ sự thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc, cùng với một số đồng minh như Triệu Tử Dương. Không có một báo cáo chính xác về vai trò của Đặng Tiểu Bình trong cuộc biểu tình, dù có một số người tin rằng ông ta đã tham gia vào việc ra lệnh cho quân đội trấn áp cuộc biểu tình. Sau sự kiện Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình lui khỏi chính trường nhưng vẫn đóng một vai trò quan trọng ở Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình qua đời năm 1997.
Niên biểu
- Ngày 22/8/1904: Đặng Tiểu Bình (tên khai sinh là Đặng Tiên Thánh, khi đi học mới đổi thành Đặng Hy Hiền) sinh tại thôn Bài Phường, huyện Quảng An, phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên. Ông là con trai cả của một cảnh sát trưởng ở huyện.
- Năm 1920: Mới 16 tuổi, Đặng Hy Hiền đã rời Tứ Xuyên để lên Thượng Hải, từ đó đón tàu sang Pháp để học. Trong thời gian học tập tại Pháp, Đặng Tiểu Bình làm rất nhiều nghề chân tay để kiếm tiền trang trải sinh hoạt, từ công nhân nhà máy sản xuất vũ khí, bồi bàn, thu vé trên xe lửa và lắp ráp ủng cao su.
- Tháng 6/1922: Đặng Tiểu Bình gia nhập đảng Cộng sản của Thanh niên Trung Quốc tại châu Âu. Một năm sau, ông được bầu làm chủ tịch liên đoàn. Với một tư duy rất thực tế, Đặng đã tìm cách tăng gấp đôi số lượng bản tin của đảng này và phân phát rộng rãi.
- Năm 1924: Gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc tại Pháp.
- Năm 1926: Sang Moscow để học và sau đó trở về Trung Quốc.
- Năm 1927: Sau khi Tưởng Giới Thạch đàn án phong trào cách mạng tại Thượng Hải, Đặng Hy Hiền đổi tên thành Đặng Tiểu Bình.
- Tháng 1/1928: Đặng Tiểu Bình kết hôn với người vợ đầu là Trương Tích Viên.
- Năm 1930: Trương Tích Viên chết sau một ca đẻ non đứa bé gái của hai người.
- Năm 1931: Đặng Tiểu Bình bắt đầu cùng Mao Trạch Đông thành lập căn cứ của Hồng Quân tại tỉnh Giang Tây.
- Năm 1932: Đặng Tiểu Bình kết hôn với Kim Duy Ánh, người vợ thứ hai của ông.
- Năm 1933: Tháng 10, Tưởng Giới Thạch phái 1 triệu quân tấn công căn cứ của Mao Trạch Đông tại tỉnh Giang Tây. Lúc này, trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc có nảy sinh một số mâu thuẫn. Cùng với Mao, Đặng Tiểu Bình bị khai trừ khỏi ban lãnh đạo đảng. Trước tình cảnh này, người vợ thứ hai đã yêu cầu ly dị Đặng để kết hôn với người khác.
- Năm 1939: Đặng Tiểu Bình kết hôn với người vợ thứ 3 là Trác Lâm. Bà sinh cho ông 3 người con gái và hai con trai.
- Năm 1945: Đặng Tiểu Bình chỉ huy sư đoàn 129 xuống khu vực miền trung Trung Quốc, buộc lực lượng Quốc Dân Đảng rút chạy.
- Năm 1948: Tham gia chỉ huy chiến dịch Hoài Hải, mở rộng mặt trận sang bên kia sông Dương Tử.
- Năm 1950: Mao Trạch Đông trở thành người lãnh đạo Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình được giao nhiệm vụ tại Tây Tạng.
- Năm 1952: Ông trở về Bắc Kinh và được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng.
- Năm 1956: Đặng Tiểu Bình trở thành Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, kiêm Tổng Bí thư Ban Bí thư.
- Năm 1957: Đặng Tiểu Bình tháp tùng Mao Trạch Đông trong chuyến thăm Moscow.
- Năm 1960: Sau 2 năm thực hiện chính sách "Đại nhảy vọt", nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ cùng Đặng Tiểu Bình đưa ra đề xuất cải cách kinh tế. Trong chuyến đi Quảng Châu, Đặng đã đưa ra quan điểm thực tế của mình về việc cứu đói cho dân bằng bất cứ giá nào.
- Năm 1966: Tháng 5, Mao Trạch Đông chỉ thị tiến hành cuộc Đại cách mạng văn hoá. Lần thứ hai trong cuộc đời chính trị của mình, Đặng Tiểu Bình bị khai trừ vì mâu thuẫn trong nội bộ đảng Cộng sản và những tư tưởng thực tế của ông trong cải cách kinh tế. Đặng Tiểu Bình bị buộc phải đội mũ tai lừa diễu hành trên phố, sau đó bị đưa về nông thôn để làm việc tại xưởng máy kéo. (Trong lúc này Lưu Thiếu Kỳ bị giam lỏng).
- Năm 1968: Con trai cả của Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương đang học đại học Bắc Kinh bị những sinh viên cực đoan cùng trường trùm đầu và khống chế cho tới khi bị ngã khỏi cửa sổ tầng 4. Kể từ tai nạn đó, Đặng Phác Phương trở thành người tàn phế.
- Năm 1969-1972: Hai vợ chồng Đặng Tiểu Bình bị đưa về Giang Tây. Tại đây, hai người đã phải nỗ lực giúp con trai phục hồi, song không thành công.
- Năm 1973: Tháng 8, Mao Trạch Động cho phép Đặng Tiểu Bình quay trở lại Bắc Kinh để giúp ông kiểm tra mức độ ảnh hưởng của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Đặng Tiểu Bình tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng và trong vòng 2 năm sau đó, ông giúp Chu Ân Lai thực hiện "4 Hiện đại hoá".
- Năm 1976: Tháng 4, lần thứ 3, Đặng Tiểu Bình lại bị khai trừ sau khi chỉ trích cuộc Cách mạng Văn hóa. Ngày 9/9, Mao Trạch Đông từ trần, Hoa Quốc Phong là người thay thế.
- Năm 1977: Ngày 22/7, Đặng Tiểu Bình được phục chức Phó Thủ tướng, vị trí giúp ông có đủ quyền lực cần thiết để tiếp tục những ý tưởng cải cách kinh tế của mình.
- Năm 1978: Đặng Tiểu Bình nêu kế hoạch cải cách kinh tế trước phiên họp toàn thể đảng Cộng sản Trung Quốc, đánh dấu sự mở đầu của chính sách "mở cửa".
- Năm 1979: Thăm Mỹ nhằm bình thường hoá quan hệ hai nước.
- Năm 1980: Bè lũ bốn tên do Giang Thanh cầm đầu bị xét xử. Giang Thanh lãnh án tử hình. Lúc này, Thâm Quyến đã trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên tại Trung Quốc, bước đầu chứng minh sự đúng đắn của cuộc cải cách kinh tế do Đặng Tiểu Bình đề xuất.
- Năm 1987: Thôi giữ các chức vụ trong chính phủ, trừ vị trí của ông trong quân đội.
- Năm 1990: Chính thức thôi giữ các chức vụ cuối cùng.
- Năm 1994: Lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng trong lễ mừng Tết Nguyên đán.
- Ngày 19/2/1997: Đặng Tiểu Bình từ trần lúc 9h08' tối.
Gia đình
Cha mẹ
Người vợ
Người vợ thứ ba của ông là Trác Lâm, có năm con.
Những người con
- Đặng Lâm (trưởng nữ)
- Đặng Phác Phương (con thứ nhưng là trưởng nam)
- Đặng Nam (nữ)
- Đặng Dung (nữ)
- Đặng Chất Phương (nam).
Những câu nói
Câu nói có tầm ảnh hưởng nhất của ông là:
“ | Chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm được chân lý. | ” |
Câu nói của Đặng Tiểu Bình được nhiều người biết đến là:
“ | Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng miễn là nó bắt được chuột. | ” |
Tháng 12 năm 1978 trong chuyến thăm các nước Đông Nam Á, chỉ vài tháng trước cuộc chiến với Việt Nam, ông nói một câu được Trung Quốc truyền hình trực tiếp:
“ | Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học4 . | ” |
Sách viết về Đặng Tiểu Bình
- "Đặng Tiểu Bình – một trí tuệ siêu việt." do Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2003, tái bản 2015.5
Tham khảo
- ^ Một góc nhìn khác về vai trò lịch sử của Đặng Tiểu Bình, nghiencuuquocte
- ^ Đặng Tiểu Bình với Việt Nam , BBC, 23.08.2014
- ^ Đặng Tiểu Bình và Thiên An Môn, BBC, 28.05.2004
- ^ “Nhớ lại đêm 17 tháng 2 năm 1979”. BBC tiếng Việt.
- ^ Vì sao VN in sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình?, bbc, 6 tháng 3 năm 2016
(Nguồn: Wikipedia)