Đặng Thì Thố (chữ Hán: 鄧時措, 1526 – ?) là trạng nguyên1 thứ 40 của Việt Nam. Ông là hậu duệ của Quốc công Đặng Tất, quê làng An Lạc (còn gọi là làng Thạc), huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Châu, thành phố Hải Dương)1 . Hiện nay, ở các xã An Châu, Nam Trung và Nam Chính (Nam Sách) vẫn còn gia phả ghi về cụ Tổ Đặng Thì Thố - giỗ ngày 12 tháng 10 âm lịch.
Ông đỗ tiến sĩ cập đệ khoa Kỉ Mùi năm Quang Bảo thứ 6 (1559) dưới thời vua Mạc Tuyên Tông2 , tuy nhiên theo bảng tra các vị tam khôi của Viện Hán-Nôm thì ông chỉ đỗ thám hoa (tiến sĩ cập đệ đệ nhất giáp đệ tam danh)3 . Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng chép rằng ông là Hội nguyên Đình nguyên Thám hoa4 .
Sau đó, ông trở thành quan của triều đình nhà Mạc, làm đến chức tả thị lang bộ Binh[cần dẫn nguồn], hàn lâm viện.
Mộ của ông táng tại An Lạc, được con cháu trùng tu năm 2005[cần dẫn nguồn].
Con trai ông là Đặng Thì Mẫn (1549 - ?) cũng đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Hoằng Định thứ 14 (Quý Sửu, 1613)5 thời Lê Kính Tông.
Ghi chú
- ^ a ă Danh sách trạng nguyên chép sai khi cho rằng quê ông hiện tại thuộc địa phận huyện Thanh Hà; đúng ra làng Thạc xã An Châu trước đây thuộc huyện Thanh Lâm, Nam Sách hay Nam Thanh, tùy theo từng thời kỳ, nhưng chưa bao giờ thuộc Thanh Hà. Hiện tại xã này cắt về thành phố Hải Dương.
- ^ Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên - Quyển XVI: Kỷ Nhà Lê - Anh Tông Tuấn hoàng đế, phụ: Họ Mạc (Phúc Nguyên 5 năm, Mậu Hợp 11 năm)
- ^ Danh sách các vị Tam khôi
- ^ Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, tập 2, khoa mục chí, trang 204.
- ^ Văn miếu Hà Nội: Văn bia số 28
Tham khảo
- Đặng tộc thế phả tự, Tiến sĩ Đặng Thì Mẫn (con trai Đặng Thí Thố) viết ngày 20 tháng 5 năm 1640
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú
- Đặng Tộc Đại Tông Phả, Yến Quận công Đặng Tiến Thự viết năm 1683, Tiến sĩ Ứng Quận công Đặng Đình Tướng tục biên năm 1686, Thái Nhạc Quận công Đặng Sĩ Hàn tiếp tục tục biên năm 1745, Nguyễn Văn Thành giới thiệu, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2002
- Họ Đặng "Nam bang vượng tộc" thời Lý đến thời Lê, Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam
Xem thêm
(Nguồn: Wikipedia)