Bảng di tích Từ đường họ Bùi ở Trình Phố. Trong từ đường có thờ Bùi Viện. Ông là đời thứ tám của họ Bùi Trình Phố

Bùi Viện (1839 - 1878), hiệu Mạnh Dực, là một nhà cải cách, nhà ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ 19, làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

Thân thế

Bùi Viện ra đời vào năm 1839, ở làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho. Cha ông mát tay bốc thuốc.

Đường khoa cử và xuất chính làm quan

Năm 1864 ông đỗ Tú tài, năm 1868 đỗ Cử nhân. Em ông là Bùi Phủng cũng đỗ cử nhân, bổ làm án sát Hưng Hóa. Bùi Viện thì sau hai lần thi hội năm 1868 và 1869 đều hỏng thi. Năm 1871 ông nhận nhiệm sở giúp Lê Tuấn, Tham tri Bộ Lễ ra Bắc dẹp loạn. Công việc hoàn thành, ông trở về Huế. Bùi Viện được Doãn Khuê, Doanh điền sứ Nam Định mời ra giúp việc khai hoang, lấn biển.

Năm 1873, trước khi vua Tự Đức buộc phải ký Hòa ước Giáp Tuất (15 tháng 3 năm 1874) nhượng bộ nhiều yêu sách của thực dân Pháp và nguy cơ mất cả nước đã nhãn tiền, triều đình chủ trương tìm kiếm những đối trọng khác ở nước ngoài để chấn hưng đất nước và cứu vãn họa xâm lăng của thực dân Pháp. Bùi Viện đã lãnh nhận sứ mạng sang Mỹ do sự tiến cử của một viên đại thần trong triều với Vua Tự Đức. Bùi Viện lúc đó đang được xem như là một nhà kinh bang tế thế, có công lớn trong việc xây dựng cảng Hải Phòng, lập ra Tuần dương quân (lực lượng hải quân thường trực) gồm 200 chiến thuyền và 2.000 quân thủy thiện chiến và lập ra hệ thống thương điếm ở các tỉnh ven biển Bắc Kỳ.

Sang Mỹ tìm đồng minh giao hiếu

Từ cửa biển Thuận An ở kinh đô Huế, Bùi Viện xuống thuyền ngược ra Bắc vào tháng 7 năm Quý Dậu (tháng 8 năm 1873) và 2 tháng sau thì đến Hương Cảng lúc đó đã là nhượng địa của nước Anh và là đầu mối giao thông nối châu Á với thế giới phương Tây. Tại đây Bùi Viện đã kết giao được với viên lãnh sự Hoa Kỳ lai Tàu nên 2 bên giao thiệp được. Được biết ý đồ của Bùi Viện, viên lãnh sự đã viết thư giới thiệu với một người ở Hoa Kỳ có khả năng giúp ông tiếp cận với nguyên thủ của quốc gia này.

Bùi Viện sau đó đã đi qua Yokohama (Hoành Tân, Nhật Bản) để đáp tàu sang Mỹ, rồi lưu lại ở đó mất một năm vận động mới gặp được Tổng thống Ulysses Grant (nhiệm kỳ 1868-1876). Lúc này Pháp và Mỹ đang kình nhau trong chiến tranh ở México nên Mỹ cũng tỏ ý muốn giúp một quốc gia đang bị Pháp uy hiếp. Nhưng Bùi Viện không mang theo quốc thư nên 2 bên không thể có một cam kết chính thức. Vì vậy, ông lại quay về Việt Nam trở lại kinh thành Huế.

Có được thư uỷ nhiệm của vua Tự Đức, Bùi Viện lại xuất dương một lần nữa. Năm 1875 ông lại có mặt tại Hoa Kỳ. Có trong tay quốc thư nhưng lại gặp lúc Mỹ - Pháp hết thù địch nên Tổng thống Ulysses Grant lại khước từ sự cam kết giúp Việt Nam đánh Pháp.

Bùi Viện lại trở về nước, vừa đặt chân lên bờ thì nghe tin mẹ từ trần nên về quê cư tang. Ba tháng sau Bùi Viện lại được triệu về kinh đô giữ chức Thương chánh tham biện rồi chuyển sang chức Chánh quản đốc nha Tuần hải. Chẳng bao lâu Bùi Viện mất đột ngột ở tuổi chưa đầy 40.

Đánh giá

Hành trạng cũng như tư tưởng của Bùi Viện thường được ví và xếp chung vào lớp sĩ phu có tư tưởng canh tân như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ.

Vua Tự Đức đã có lời phê: Trẫm đối với ngươi chưa có ân nghĩa gì, mà ngươi đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần ắt cũng chứng cho[cần dẫn nguồn].

Tham khảo

(Nguồn: Wikipedia)