Vũ Chính là một xã ngoại thành của thành phố Thái Bình tỉnh Thái Bình Việt Nam.

Đội ngũ cán bộ chủ chốt xã đang đương chức

Bí thư Đảng ủy : Phan Văn Dương

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã: Nguyễn Xuân Biên

Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HDND xã: Vũ Đình Trứ

Phó Chủ tịch: Phan Văn Báu.

Phó Chủ tịch HDND xã: Vũ Đình Dương

Văn phòng Uỷ ban: Nguyễn Xuân Quý.

Kế toán ngân sách xã: Nguyễn Thị Tuyết

Địa lý - Dân cư

Xã nằm ở phía Nam thành phố Thái Bình, cách trung tâm thành phố chừng 3,5 km, có địa giới hành chính phía Đông Nam giáp xã Vũ Ninh (huyện Kiến Xương); phía Đông giáp xã Vũ Lạc; phía Đông Bắc và phía Bắc giáp phường Trần Lãm; phía Bắc giáp phường Kỳ Bá; phía Tây Bắc giáp phường Quang Trung; phía Tây giáp xã Vũ Phúc; phía Nam giáp với xã Vũ Hội huyện Vũ Thư.1

Vũ Chính có diện tích là 558 hecta với dân số ước khoảng 13.200 người gồm hàng chục dòng họ, trong đó đông nhất là ba họ Nguyễn Xuân (Nguyễn Ngọc), Phan Văn, Vũ Đình. Mỗi dòng họ có trên dưới 1.000 người. Dân cư sống tập trung ở thành 3 làng Tống Vũ (phía Đông xã gồm các thôn Vũ Trường, Tây Sơn, Hòa Hải, Đông Hải, Tống Vũ, tổ dân phố 2, dân số ước tính trên 5.000 người), làng Tống Văn (phía Tây xã gồm các thôn Tống Văn, Nam Hùng, Trấn Tây, Quyến, Trung Hòa, Tiên Sơn, tổ dân phố 1, dân số ước tính 7.000 người), làng Lạc Chính (phía Tây Bắc, đồng thời cũng là thôn Lạc Chính có khoảng 1.200 người). Tổng cộng xã có 12 thôn và 2 tổ dân phố bao gồm các thôn:

  1. Tống Văn (xóm 6+7 cũ)
  2. Nam Hùng (xóm 8 cũ)
  3. Trấn Tây (xóm 9+10 cũ)
  4. Quyến (xóm 11 cũ)
  5. Trung Hòa (xóm 12 cũ)
  6. Lạc Chính (xóm 13 cũ)
  7. Tiên Sơn (xóm 14 cũ)
  8. Tống Vũ (xóm 5 cũ)
  9. Tây Sơn (xóm 4 cũ)
  10. Hòa Hải (xóm 3 cũ)
  11. Đông Hải (xóm 2 cũ)
  12. Vũ Trường (xóm 1 cũ)
  13. Tổ dân phố 1 (xóm 15 cũ)
  14. Tổ dân phố 2 (gồm một bộ phận của xóm 1 và xóm 2 cũ.

Lược sử hành chính

Xã Vũ Chính ngày nay trước đây gồm 3 làng Tống Vũ, Tống Văn, Lạc Chính. Vùng đất Vũ Chính hình thành vào khoảng 400 năm về trước, đầu thế kỷ 17, di dân từ các nơi đã lập lên làng Tống Vũ và làng Lạc Chính. Đến khoảng thế kỷ 19, làng Tống Vũ tách thành Tống Vũ và Tống Văn. Thời Pháp thuộc, tại Thái Bình làng được gọi là xã, hai xã Tống Vũ và Tống Văn thuộc tổng Hội Khê, xã Lạc Chính thuộc tổng Lạc Đạo đều thuộc huyện Vũ Tiên, phủ Thư Trì tỉnh Thái Bình.

Sau cách mạng tháng 8-1945, địa giới hành chính xã có nhiều thay đổi.

Từ năm 1945-1947, làng Tống Văn và Lạc Chính cùng với làng Cọi Khê (Vũ Hội ngày nay) gọi chung là xã Tống Khê; Làng Tồng Vũ cùng Lạc Đạo (Trần Lãm ngày nay), Đồng Lôi (phường Kỳ Bá ngày nay) gọi là xã Trần Lãm. Đến năm 1947, các làng Tống Văn, Lạc Chính hợp nhất với vùng đất thuộc Quang Trung, Phúc Khánh, Vũ Phúc gọi chung là xã Hùng Thắng.

Sau thắng lợi kháng chiến chống Pháp, xã Trần Lãm được đổi tên thành xã Vũ Lãm. Hai làng Tống Văn và Lạc Chính tách thành một xã mới gọi là Vũ Chính. Cả hai xã Vũ Chính và Vũ Lãm đều thuộc huyện Vũ Tiên. Từ năm 1969 là thuộc huyện Vũ Thư. Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), xã Vũ Chính giữ nguyên địa giới, xã Vũ Lãm chia tách một phần đất (thôn Đồng Lôi) để lập thành tiểu khu Kỳ Bá.

Ngày 18-12-1976, xã Vũ Chính và xã Vũ Lãm được thành lập thành xã Chính Lãm, lúc này xã Chính Lãm rộng khoảng trên 800ha, dân số lên đến 15 ngàn người, là một trong những xã lớn nhất của tỉnh Thái Bình. Ngày 5-04-1982, thôn Lạc Đạo xã Chính Lãm được tách ra để thành lập phường Trần Lãm, xã Chính Lãm được đổi tên thành xã Vũ Chính. Xã Vũ Chính lúc này còn diện tích 558ha, dân số có gần 10.000 ngườii chia làm 15 xóm từ 1-15, trong đó làng Tống Vũ gồm 5 xóm từ 1-5, làng Lạc Chính là xóm 13, một phần nhỏ các xóm 12, 14. Làng Tống Văn gồm gần 8 xóm.

Ngày 25-06- 1986 xã Vũ Chính được nhập về vào thị xã Thái Bình (Nay là thành phố Thái Bình).Đến năm 2004, xã được điều chỉnh lại thành 12 thôn và 2 tổ dân phố như hiện nay. Về diện tích, Vũ Chính là đơn vị hành chính lớn gần nhất trong thành phố. Về dân số, xã Vũ Chính là xã có quy mô dân số đứng đầu khối xã thuộc thành phố và đứng đầu khối xã cả tỉnh, quy mô dân số xã gấp gần 3 lần so với quy mô dân số cấp xã.

Một số đề án trong tương lai định hướng về việc chia tách địa giới hành chính của xã theo hướng chia nhỏ để thành lập các phường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó có những đề án tách Tống Vũ thành xã riêng, có đề án tách các thôn Quyến, Trung Hòa, Lạc Chính, Tiên Sơn, tổ dân phố số 1 thành phường riêng. Đề án gần nhất hiện nay là cắt khu vực giáp phường Quang Trung rộng gần 100 ha để xây khu đô thị mới, định cư cho 11.000 dân. Vùng cánh đống Tống Vũ giáp đường vành đai là nơi đóng nhiều cơ quan của tỉnh và khu tái định cư đền bù đất. Vùng cánh đồng Tống Văn (đoạn giữa thôn Tống Văn và thôn Quyến) là khu đô thị mới. Dự kiến đến 2025, sau khi hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch, xã Vũ Chính chuyển thành phường Vũ Chính với dân số ước tính khoảng gần 20.000 người, trong đó có 15.000 dân bản địa.

Truyền thống cách mạng

Vũ Chính là nơi có phong trào cách mạng từ rất sớm. Ngay từ năm 1929, xã đã có đồng chí Tống Văn Phổ là một trong những Đảng viên đầu tiên của tỉnh Thái Bình và là Bí thư tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh. Năm 1945, nhân dân Vũ Chính cũng như nhân dân các xã khác ở miền Bắc phải trải qua thảm cảnh nạn đói Ất Dậu, trên 1.000 người dân 3 làng chết đói. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh nhân dân trong xã đã vùng lên lật đổ ách thống trị của chế độ cũ thành lập chính quyền cách mạng, góp phần cùng cả nước hoàn thành Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), khu vực xã Vũ Chính là chiến trường ác liệt. Là địa bàn cửa ngõ phía Nam thị xã, thực dân Pháp đóng tại Vũ Chính 2 đồn lính để kìm kẹp nhân dân, thường xuyên tiến hành các cuộc càn quét, tiến công, cướp giết. Trong đội hình lực lượng vũ trang các xã Trân Lãm, Hùng Thắng, quân và dân 3 làng Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính đã gây cho kẻ thù nhiều tổn thất sinh mạng, vật lực, góp phần thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt", nhân dân xã đã động viên 720 người lên đường nhập ngũ, trên 600 người đi dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Thời gian thuộc huyện Vũ Tiên và Vũ Thư, xã Vũ Chính luôn đi đầu trong công tác tuyển quân nhập ngũ. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam (1975-1989), toàn xã có trên 700 thanh niên nhập ngũ. Hiện nay hàng năm xã vẫn đưa từ 20-25 thanh niên nhập ngũ là lá cờ đầu của phong trào tòng quân bảo vệ tổ quốc.

Tỏng kết các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, toàn xã có gần 200 liệt sĩ, gần 200 thương bệnh binh. Xã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tăng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2004.

Giao thông

Cắt ngang qua phía Tây của xã Vũ Chính (qua làng Tống Văn) là đoạn cuối của đường Lý Bôn (ngã ba chợ Tông), tức là đường 223. Hiện trên địa bàn xã đang triển khai xây dựng đường vành đai thành phố. Tuyến đường vành đai qua xã dài trên 7 km sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, xã Vũ Chính có hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn tương đối hiện đại đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Kinh tế và Văn hóa

Là một đơn vị ngoại thành, xã Vũ Chính có điều kiện phát triển tương đối toàn diện cả về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Về nông nghiệp, Vũ Chính là một trong những nơi đầu tiên của cả nước xây dựng được cánh đồng 100 triệu/ha, nổi tiếng với rau màu và trồng hoa cung cấp cho thành phố Thái Bình. Về dịch vụ - tiẻu thủ công nghiệp, xã có hàng chục cơ sở tiểu thủ công nghiệp đan, may.... giải quyết công việc cho hàng trăm lao động. Ngoài ra, xã có khoảng 1000 lao động đang làm việc tại các nhà máy ở thành phố Thái Bình.

Tính đến năm 2015, tổng thu nhập toàn xã một năm ước đạt 550 tỷ đồng, bình quân đầu người đạt 47riệu/người/năm, là xã có kinh tế mạnh hàng đầu trong khối xã thuộc thành phố và tỉnh. Vũ Chính là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Địa bàn xã hiện nay cũng nằm trong quy hoạch xây dựng nhiều cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh.

Nằm trên mảnh đất có truyên thống văn hóa - tâm linh, xã Vũ Chính có 3 ngôi chùa (3 làng) và 1 ngôi đình (làng Tống Vũ). Các đình chùa đều được nhân dân đóng góp xây dựng kháng trang, được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, đã có nhiều ý kiến về việc xây dựng lại đình làng Tống Văn, cổng làng.... được nhân dân hưởng ứng, sẵn sàng đóng góp xây dựng trong tương lai không xa.

Văn hóa - nghệ thuật

Người dân xã Vũ Chính nổi tiếng với truyền thống thơ ca và tính tếu táo hay đùa. Chẳng hạn về kinh nghiệm lập gia đình, người thôn Tống Văn có câu:

"Trai đô Tống Vũ, gái mềm cọi khê"

Ngụ ý chọn chồng thì lấy con trai làng Tống Vũ vì sức khỏe (làng Tống Vũ trước đây chuyên sản xuất gạch). Lấy vợ thì phải xuống làng Cọi Khê (xã Vũ Hội) vì con gái ở đây đảm đang, giỏi buôn bán.

Tếu táo hơn, người Vũ Chính có câu:

"Hỡi em mặc áo xanh xanh

Có về Vũ Chính quê anh thì về

Quê anh lắm ruộng nhiều nghề

Sáng trồng cải bắp, tối về trồng khoai"

Ngụ ý nói về xã Vũ Chính là địa phương chuyên trồng màu.

Một bài thơ thất truyền khác được cho là của một tác giả người Vũ Chính khi địa phương có phong trào trồng cà vào những năm 2000

"Bà con toàn thể xã ta Đồng tâm hiệp lực giồng cà dái dê Dái dê to mập dài ghê Năm sau ta cứ dái dê ta trồng".

Chú thích

  1. ^ Tập bản đồ hành chính Việt Nam.

Tham khảo

(Nguồn: Wikipedia)