Di Sản Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh
Không gian kiến trúc Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh thực sự bắt đầu được kiến tạo từ năm 1698, khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định). Hơn 300 năm qua, những công trình kiến trúc, những nét sinh hoạt văn hóa tại vùng đất này đã lắng đọng vào phố thị và tâm hồn của cộng đồng dân cư nơi đây, kết tinh thành di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuốn sách Di Sản Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh tập hợp hơn 300 bức ảnh quý hiếm của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, bao quát lịch sử - văn hóa - xã hội vùng đất này. Đó là những công trình kiến trúc như: dinh thự, trường học, bệnh viện, khách sạn, cầu đường,...; là những nét văn hóa trong đời sống thường nhật như: đám cưới, hát bội, đờn ca tài tử, đua ngựa...; là đặc sắc ẩm thực Sài Gòn với quán cà phê, gánh hàng rong...
Cuốn sách được biên soạn với mục tiêu bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, giữ gìn dấu xưa và làm lan tỏa giá trị di sản trong cuộc sống hiện nay để Thành phố Hồ Chí Minh tự hào và xứng đáng với vai trò là trung tâm về nhiều mặt của cả nước, góp phần bổ sung vào bộ sưu tập tài liệu nghiên cứu và tư liệu hình ảnh về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó làm phong phú thêm cho di sản văn hóa Việt Nam.