Từ khi đất nước được hoàn toàn giải phóng đến nay, không ít sách báo và cả phim ảnh, sạn khấu… đã nói đến biệt động Sài Gòn, ca ngợi chiến công tuyệt vời của họ. Đồng chí nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam – người đã nhiều năm lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thành phố mang tên Bác, đánh giá như sau về lực lượng Biệt động Sài Gòn:
“Đây là một sáng tạo về mặt hình thức tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng, gọn lẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong dân, hòa vào dân, thường xuyên hoạt động trong lòng địch… Sự ra đời và phương thức hoạt động của lực lượng biệt động đánh dấu bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam…”
Thực tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa qua, không chỉ ở Sài Gòn – Gia Định mà ở các thành phố bị tạm chiếm khác như Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ… đều có lực lượng biệt động hoạt động và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm, cán bộ và chiến sĩ biệt động đã vắng nhiều, số còn lại đa số đã cao tuổi, nhưng kinh nghiệm quý báu đổi bằng xương máu về xây dựng và chiến đấu của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ này đến nay vẫn chưa được tổng kết và giới thiệu một cách đầy đủ. Cũng chưa có một cuộc hội thảo khoa học nào về chủ đề này được tổ chức ở các địa phương cũng như ở cấp Trung ương.
Từ những trăn trở và suy nghĩ trên đây, do sự thôi thúc của đồng đội, lại được sự động viên khuyến khích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những năm 1995 – 1997, tôi đã cố gắng thu thập những tư liệu để biên soạn cuốn “Biệt động Sài Gòn”, nhằm bước đầu giới thiệu những chiến công tuyệt vời và những gương mặt anh hùng của lực lượng biệt Tổ quốc. Cuốn sách ra đời năm 1998, được đông đảo độc giả hoan nghênh và đã qua hai lần tái bản. Điều rất cảm động là tác giả đã nhận được nhiều ý kiến khuyến khích động viên và bổ sung của nhiều đồng chí, đồng đội và đồng bào từng sát cánh chiến đấu trong những năm khói lửa. Nhờ vậy mà chúng ta có thêm cơ sở thực tiễn và khoa học để tìm hiểu thêm về lực lượng vũ trang đặc biệt này.
Điều tôi mong muốn thiết tha là những kinh nghiệm phong phú về xây dựng và chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định trong hai thời kỳ kháng chiến cần được các cơ quan có trách nhiệm tổ chức tổng kết một cách đầy đủ và chính xác, trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể của các nhân chứng và các nhà khoa học, nhằm làm sáng tỏ “bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân” trong thời đại Hồ Chí Minh, để lại những bài học bổ ích cho các thế hệ mai sau.
Trong lúc chờ đợi điều mong ước trên được thực hiện, là một trong những người từng gắn bó với lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước 40 năm, nay đã vào tuổi “cổ lai hy”, tôi cố gắng soạn tiếp tập sách này nhằm góp phần nhỏ bé của mình vào công việc đó.
Mời bạn đón đọc.