Đồ Sứ Ký Kiểu Thời Nguyễn
Thuật ngữ đồ sứ ký kiểu được dùng để chỉ những đồ sứ do người Việt Nam, gồm cả vua, quan và thường dân đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa trong khoảng thời gian từ nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa, hiệu đề. Tùy theo niên đại ký kiểu đồ sứ mà thuật ngữ này có thêm các định ngữ chỉ thời gian đi kèm như:
- Đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh: chỉ những đồ sứ do Trung Hoa làm theo yêu cầu và mẫu mã do triều đình Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài đặt làm từ nửa sau thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII.
- Đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn: chỉ những đồ sứ do Trung Hoa làm theo yêu cầu và mẫu mã do các vị chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tiêu biểu là chúa Nguyễn Phúc Chu, đặt làm từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII.
- Đồ sứ ký kiểu thời Tây Sơn: chỉ những đồ sứ được đề thơ Nôm được đặt làm cuối thế kỷ XVIII.
- Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn: chỉ những đồ sứ do người Việt đặt hàng từ 1804 đến 1925 dưới các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định.