Sách này nói về P`howa, có khi còn viết là Phowa, một pháp môn trong Kim Cang Thừa của Phật Giáo Tây tạng. Pháp này dạy cách chuyển di thần thức về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, nương theo đại nguyện của Ngài – dù khá dị biệt với Tịnh Độ Tông của Trung Quốc và Việt Nam, cũng có thể dùng làm tham khảo cho người đọc khi đối chiếu các pháp tu của nhà Phật. Vì có một điểm trong pháp P`howa khá xa lạ với truyền thống Tịnh Độ Tông Việt Nam cho nên bản Việt dịch này sẽ được dịch sát với nguyên bản Anh văn, dù phải chấp nhận một số trúc trắc về cú pháp, nhưng bù lại thì cách dùng lời lẽ cố gắng trình bày sao cho thật dễ hiểu. Phật giáo Tây Tạng tin rằng pháp môn P`howa rất mực mãnh liệt, có thể đưa người về cõi Phật A Di Đà ngay khi lìa trần, hay ít nhất cũng khả dĩ tạo được nhân duyên đễ không phải đọa vào các đường dữ.
Nhà Phật có vô lượng pháp môn, tùy nhân duyên nhiều đời, mỗi người sẽ tìm được pháp thích hợp. Riêng với Phật tử Việt Nam hiện nay, pháp môn Tịnh Độ phổ biến nhất, rồi sau đó mới tới Thiền tông. Sách này được dịch chỉ vì muốn giới thiệu người đang tu Tịnh Độ biết rằng bên Tây Tạng cũng có pháp gọi là P`howa, tuy nhiều dị biệt, nhưng cũng tìm về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà.
Vì mang ơn thọ pháp từ các Thầy Tịnh Độ, nên tác phẩm “P`howa Commentary” được chọn dịch nơi đây ra Việt ngữ, một phần là để ghi ơn quý Thầy và một phần là để người tu có thêm tài liệu tham khảo, mặc dù dịch giả vẫn còn là một kẻ sơ học và ngôn ngữ lại quê mùa.
Thêm nữa, Tịnh Độ đã trở thành pháp tu phổ biến tại Việt Nam, và là một phương tiện gắn bó mang tính xã hội. Có rất nhiều gia đình ở Việt Nam gần như không bao giờ tới chùa, chỉ có khi người thân lìa đời, bấy giờ mới tới chùa cung thỉnh chư tăng ni hộ niệm. Từ các dịp tang chế như vậy. Tịnh Độ đã tiếp cận với đồng bào trước tiên như một pháp môn cầu nguyện cho người thân về nơi bình an, và sau đó dùng làm một pháp tu cho người còn lại.