Hồi năm 1995, nhà văn Ngọc Linh (1935-2002) có thưa với bạn đọc trên Báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh:

“Tôi rất quý trọng tài năng của nữ nghệ sĩ tiền phong Năm Sa Đéc, nhất là qua vai bà mẹ của nhân vật Thân trong vở Đoạn tuyệt, một bà mẹ chồng đanh đá, ác độc, điển hình của một thời xa xưa, đã từng gây dấu ấn sâu đậm trong lòng hàng triệu khán giả.

Tôi không may mắn quen thân với bà. Chỉ một vài lần đến thăm cụ Vương Hồng Sển hoặc vào hậu trường đoàn cải lương Thanh Minh hay đoàn kịch nói Kim Cương, tôi đã được gặp bà và cũng chỉ cung kính chào hỏi. Thế thôi. Nhưng mấy lúc sau này, nhiều thư độc giả hỏi thăm về bà, muốn tìm hiểu về người nghệ sĩ tài danh Năm Sa Đéc. Tôi còn biết hỏi ai hơn là cụ Vương Hồng Sển, người đã sống chung với bà trên 40 năm. Tôi đã viết thư cho cụ. Ngày 15.10.1995, tôi đã nhận được lời phúc đáp của cụ Sển”…

Bằng hai trang giấy viết thư, cụ Vương đã thỏa mãn lời yêu cầu của vị Phó Tổng biên tập Báo Sân khấu, Thành phố Hồ Chí Minh. Thử hỏi, trọn một “đời nghệ sĩ” tài danh như Năm Sa Đéc mà chỉ gói gọn trong 2 trang giấy thì làm sao tri kỷ mộ điệu thấu hiểu?

Do vậy, trong quyển sách này, chúng tôi cố gắng ghi chép trọn vẹn cuộc đời nghệ thuật của Cô Năm Sa Đéc từ hát bội đến cải lương, sang thoại kịch, rồi điện ảnh. Cho đến phút cuối đời, Cô Năm vẫn còn xuất hiện trước ống kính qua cuốn phim Phù sa, thực hiện vào cuối năm 1987. Lần đó, đóng phim xong ở Đồng Tháp, Cô Năm về Sài Gòn rồi ngã bịnh đột ngột và vĩnh viễn ra đi…

Cũng hồi thập niên 90 của thế kỷ vừa qua, một tờ báo tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi viết về nữ nghệ sĩ tiền phong Năm Sa Đéc có ghi: “Ngày xưa Cô Năm Sa Đéc có giọng ca thật điêu luyện… truyền cảm”. Ý tác giả bài báo muốn nói rằng Cô Năm Sa Đéc, cũng giống như Cô Năm Cần Thơ, Cô Ba Bến Tre, Cô Bảy Vĩnh Long, Cô Ba Trà Vinh, Cô Mười Tân Châu v.v… mang nghệ danh gắn liền với quê hương xứ sở mà mấy chục năm qua, người thưởng thức vẫn chưa quên được nét độc đáo của từng giọng ca trên dĩa nhựa.

Riêng Cô Năm Sa Đéc, không giống như các nghệ sĩ tài danh vừa kể. Cô không có giọng ca “mùi”. Cô trưởng thành từ sân khấu hát bội. Người viết quyển sách này, trong nhiều năm gần gũi với hát xướng, cũng chưa được nghe Cô Năm Sa Đéc ca vọng cổ một lần nào. Nhưng tên tuổi Cô luôn sáng chói trên danh vị một nghệ sĩ tiền phong của sân khấu hát bội, hát cải lương… qua tài diễn xuất điêu luyện của Cô.

Người đời vinh danh Cô là một kiện tướng của nghệ thuật trình diễn, không nhờ thanh sắc mà chỉ trông cậy ở nghệ thuật diễn xuất.

Ngày nay, khi nhắc đến Cô Năm Sa Đéc, người ta không thể quên được, hồi thập niên 50 của thế kỷ trước, Hội Khuyến lệ Cổ ca Sài Gòn đã phong tặng cho 5 nghệ sĩ gồm Cô Năm Nhỏ, Cô Năm Đồ, Cô Năm Sa Đéc, Cô Cao Long Ngà, Cô Ba Út là NGŨ TRÂN CHÂU của sân khấu hát bội miền Nam.

Viết về cuộc đời của nữ nghệ sĩ tiền phong Năm Sa Đéc, không thể thiếu phần lai lịch “cái nôi” của cải lương Nam Bộ, vì tỉnh Sa Đéc ngày xưa chính là “cái nôi” của cải lương. Gánh hát Thầy Thận ở Sa Đéc rồi đến gánh hát Thầy Năm Tú ở Mỹ Tho đều xuất phát từ cái nôi này.

Làm công việc nghiên cứu mà tài liệu về hát bội, về buổi bình minh của đờn ca tài tử Nam Bộ dẫn đến sự ra đời của sân khấu cải lương, việc sưu tập vẫn còn hạn chế, ắt không tránh khỏi những thiếu sót.

Rất mong được sự chỉ giáo của các bậc cao minh.

Mời bạn đón đọc.