Trong giới làm nghề kiến trúc ở nước ta, có khá nhiều người dạo chơi qua nhiều lĩnh vực khác nhau của nghệ thuật - từ thơ văn, hội họa cho đến âm nhạc..., thậm chí có những kiến trúc sư được biết đến nhiều không phải bởi nghề nghiệp chính của mình mà bởi những đầu sách đã in, những ca khúc đã sáng tác được nhiều người ưa thích.Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương lại là một diện mạo khác. Trước hết anh là tên tuổi quen thuộc trong giới của mình, là tác giả của nhiều công trình thiết kế nghiêm chỉnh mà tôi được biết nhờ có thời gian gắn bó với một tạp chí chuyên ngành kiến trúc, song song đó anh còn là một cây bút đa năng với hàng trăm bài viết đã đăng trên nhiều báo, tạp chí. Nhà kiến trúc luôn sẵn sàng bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận và cả những bức bối, những đau đáu của anh về nghề nghiệp, về các công trình kiến trúc - nội thất, về ngôi nhà - không gian sống của người Việt, về thực trạng của cuộc sống đô thị đã và đang đánh mất dần hồn vía của mình...

Dường như nhìn vào bất kỳ chỗ nào, nơi nào, đến với bất kỳ không gian nào Tạ Mỹ Dương cũng tìm thấy những yếu tố để anh có thể đưa ngay vào bài viết của mình. Bút lực sung mãn, những con chữ nối nhau mạch lạc, nhiều hình ảnh và nhiều liên tưởng, không quá sa đà văn chương mà chứa đựng nhiều thông tin. Đặc biệt là những kỷ niệm chỉ chực chờ cơ hội để ùa về, phả kín trang giấy. Những âm vang quá khứ luôn gõ nhịp trên lối đi chữ nghĩa của Tạ Mỹ Dương dễ gây bồi hồi, đồng cảm.Trong mấy tập bản thảo của Tạ Mỹ Dương tôi được đọc trước khi in thành sách, thích nhất là những trang viết từ những chuyến đi “ta bà thế giới”. Một hạnh phúc lớn của anh là được đặt chân đến nhiều miền đất lạ, nhiều phương trời xa, từ “một khu dân cư nhỏ với chừng trăm nóc nhà trên đất nước Hà Lan xinh đẹp, cách Amsterdam 30km về phía bắc” đến “phố nhậu” tưng bừng giữa lòng thủ đô Madrid của Tây Ban Nha; từ làng cổ Conques miền tây nam nước Pháp với vũ điệu trên những mái nhà đến thành phố nhỏ Mendoza dưới chân dãy Andes, nơi sản xuất loại rượu nho hảo hạng của xứ Argentina; rồi Vienna rồi Cambridge rồi New Orleans; rồi Luang Prabang rồi Koh Samui...

Một số người viết loại du ký thường sa đà vào việc khoe kiến thức (ối ra trên Google!) mà thiếu hẳn sự chiêm nghiệm, trải lòng, “trông người mà ngẫm đến ta” vốn cần thiết với người đọc bởi tác dụng đánh thức cảm quan. Nhiều nơi anh đến tôi cũng có dịp đi qua mà vẫn tìm thấy nhiều điều mới mẻ, để giật mình vì hóa ra nhiều khi “tôi đã sống rất ơ hờ” (Trịnh Công Sơn).

(Nhà báo Nguyễn Trọng Chức)

Mời bạn đón đọc.