Combo Những Cuốn Sách Về Huế Và Triều Nguyễn (Bộ 3 Cuốn)

1. Trò Chơi Và Thú Tiêu Khiển Của Người Huế

Cuốn sách nghiên cứu, trình bày và phân tích các trò chơi, thú tiêu khiển truyền thống của người dân Huế. Sách gồm ba phần chính: Trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cộng đồng ; trò chơi và thú tiêu khiển mang tính hội nhóm ; trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cá nhân. Ngoài ra, còn có 6 phần phụ lục cung cấp thêm các thông tin như về các bài bản ca Huế; 48 đề thả thơ; 160 đề đố thơ; những bộ đầu hồ; hai bộ xăm hường và trò xăm hường; các trò chơi của trẻ em xứ Huế.

Sự tồn tại và phát triển của các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế bắt nguồn từ sự du nhập các trò chơi và thú tiêu khiển truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ rồi cải biên cho phù hợp với điều kiện địa lý, môi trường và hoàn cảnh lịch sử ở vùng đất mới. Nhiều trò chơi dân gian của người dân Ðại Việt xưa, đã theo bước chân của những lớp dân Nam tiến, có mặt ở Huế ngay từ khi mảnh đất này còn là “Ô châu ác địa”. Trong giai đoạn đầu, những trò chơi ấy vẫn mang đậm dấu ấn từ những trò vui của cư dân châu thổ sông Hồng. Ðó là những trò chơi gắn với các lễ hội dân gian, được nhà nước đứng ra tổ chức để mua vui cho thiên hạ trong các dịp lễ lượt như: đua ghe, đấu vật, đu tiên...

Thú vui xứ Huế không chỉ phong phú về dạng thức, loại hình mà còn hợp thời, hợp cảnh. Dương Văn An trong Ô châu cận lục từng viết: “Xuân sang thì mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch, hạ đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca”. Không ai thả diều hay du thuyền trên sông Hương vào những ngày mưa dầm gió bấc, cũng như các cuộc trà chỉ thực sự mang đến cho ẩm khách cảm giác khinh khoái trong những ngày đông giá rét, chứ không phải trong những trưa hè oi bức. Thiên nhiên và thời tiết vừa giúp vào việc sản sinh ra các trò chơi và thú tiêu khiển ở Huế, đồng thời, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến thời điểm diễn ra các cuộc vui ấy.

2. Huế - Triều Nguyễn: Một Cái Nhìn

Là một tác phẩm gồm 47 bài viết về nhiều lĩnh vực khác nhau, phân chia thành hai chủ đề Huế - di sản văn hóa (35 bài) và Triều Nguyễn – những vấn đề lịch sử (12 bài). So với lần tái bản thứ hai của cuốn sách thì lần này tác giả đã bổ sung thêm 15 bài cho cả hai chủ đề, kể cả những bài gọi là “phụ lục” thì tính khoa học và thông tin mới cũng không kém những bài chính. Là một tập những bài viết phân tích về sinh thái nhân văn, lịch sử, văn hóa của Huế và vương triều Nguyễn trong lịch sử đất nước, cuốn sách thể hiện góc nhìn đương đại đối với nghệ thuật, văn hóa và di tích cổ ở Huế.

Nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Huế Vĩnh Cao nhận xét : « Điểm đáng để chúng ta lưu tâm hơn cả là tác phẩm Huế - triều Nguyễn. Một cái nhìn đã giúp chúng ta thấy được « cái nhìn » của người đương đại đối với nghệ thuật, văn hóa cùng di tích cổ. Dù là « cái nhìn » của một cá nhân, nhưng chúng ta vẫn thấy được sự gắn bó cùng hoài bão và sự trân trọng đối với di sản văn hó, một tấm lòng hoài cổ, cộng thêm nỗi trăn trở suy tư của lớp người trẻ đương đại. Chính với tấm lòng vả nỗi niềm đó đã thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo tồn văn hóa của ông cha. »

TS. Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Sự đa chiều chính là điều thú vị của cuốn sách. Có thể nhận thấy sự đa chiều từ nhìn nhận về sinh thái nhân văn, để tìm hiểu, phân tích, đánh giá lịch sử - sự kiện, để liên kết các yếu tố, thành tố văn hóa. Đa chiều để đặt Huế và Triều Nguyễn trong dòng chảy văn hóa của đất nước. Nhưng đồng thời lại nhất quán trong tâm thế người nghiên cứu : tâm thế cởi mỏe và thẳng thắn trình bày suy nghĩ, nhận định, cởi mở tiếp nhận trao đổi với ý kiến đồng thuận hay trái chiều, cởi mở về sự đánh giá tư liệu điền dã hay sử liệu mới phát hiện… »

3. Ngành Đóng Thuyền Và Tàu Thuyền Ở Việt Nam Thời Nguyễn

Cuốn sách biên khảo này dựa trên các nguồn sử liệu chính thống của Việt Nam và thông tin từ các hồi ký của những người nước ngoài từng đến Việt Nam trong các thế kỷ XVII – XIX. Cuốn sách cung cấp một cái nhìn tổng quát về ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn và ở Việt Nam trong thời kỳ đầu của vương triều Nguyễn (1802 - 1945).

Theo tác giả, chính sách ưu tiên phát triển ngành đóng thuyền của nhà Nguyễn đã tạo nên một diện mạo mới cho thuyền bè và ngành giao thông đường thủy ở Việt Nam trong thế kỷ XIX, có ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường khả năng phòng thủ đất nước. Đáng tiếc là những chính sách này chưa đủ sức mạnh để phát huy tiềm lực kinh tế biển của Việt Nam cũng như tăng cường sức mạnh của lực lượng thủy quân để bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xâm. Nguyên nhân là do những hạn chế về tầm nhìn chính trị, về tài chính, về khoa học kỹ thuật và đặc biệt là do sự thiếu quan tâm của các vị vua sau này, nhất là từ thời vua Tự Đức trở đi.