Nhà Trần

MINH TÔNG HOÀNG ĐẾ

Tên húy là Mạnh, con thứ tư của Anh Tông, mẹ đích là Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Hưng Nhượng Đại Vương Quốc Tảng, mẹ sinh là Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Bảo Nghĩa Vương Bình Trọng. Ở ngôi 15 năm, nhường ngôi 28 năm, thọ 58 tuổi, băng ở cung Bảo Nguyên, táng ở Mục Lăng. Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày. Tiếc rằng không nhận biết mưu gian của Khắc Chung, để đến nỗi Quốc Chẩn phải chết, đo là chỗ kém thông minh vậy.

Ất Mão, [Đại Khánh] năm thứ 2 [1315], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 2). Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 7, đua thuyền.

Tháng 5, [32b] xuống chiếu cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính. Kẻ thần hạ hễ ai cùng tên (với họ hàng nhà vua) đều phải đổi cả, như Độ đổi thành Sư Mạnh vì là cùng tên với thượng phụ1010, Tung đổi thành Thúc Cao vì là cùng tên với Hưng Ninh Vương1 (con trưởng của An Ninh vương)2 . Lại các tên của chú bác, cô cậu, khi nói đến vẫn kiêng cả. [Vua] có quyển sổ nhỏ biên những chữ húy không được nói đến, trao cho các hoàng tử và cung phi. Chỉ vì ngài có tấm lòng ấy, nên đã có chính tích ấy.

Tháng 6, hạn hán.

Bấy giờ Trần Khắc Chung làm Hành khiển. Quan ngự sử dâng sớ nói:

"Chức vụ tể tướng, trước hết phải điều hoà âm dương. Nay Khắc Chung ở ngôi tể tướng, không biết phối hợp đất trời [33a] cho khí tiết điều hòa, để đến nỗi mưa nắng trái thời, thế là làm quan không được công trạng gì".

Khắc Chung nói:

"Tôi lạm giữ chức tể tướng, chỉ biết có sức làm những việc mà chức vụ phải làm, còn như hạn hán thì hỏi ở Long Vương. Khắc Chung đâu phải là Long Vương mà đổ tội được?".

Sau nước sông lên to, vua đích thân đi xem đắp đê. Quan ngự sử tâu:

"Bệ hạ nên chăm sửa đức chính, xem làm gì việc đắp đê nhỏ nhặt".

Khắc Chung nói:

"Khi dân bị nạn lụt, người làm vua phải cứu giúp tai họa khẩn cấp đó, sửa đức chính không gì lớn hơn việc đó, cần gì phải ngồi thinh, tư lự rồi bảo là "sửa đức chính?".

Có người bàn rằng: "Khắc Chung đổ lỗi cho Long Vương, đài quan chê [đắp đê] là việc nhỏ nhặt, [hai bên] đều sai cả".

Mùa thu, tháng 8, lấy ngày sinh làm tiết Ninh Thiên.

Tháng 9, có sâu ăn lúa.

Mùa đông, tháng 10, có sâu ăn lúa.

Ban cho Trần Khắc Chung tước Á quan nội hầu.

[33b] Bính Thìn, [Đại Khánh] năm thứ3 [1316], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, xét duyệt quan văn và3 hộ khẩu có mức độ khác nhau.

Các quan xét duyệt cho rằng những tấm thiếp đóng ấn gỗ vào năm Nguyên Phong [1251 - 1258] là giả tạo. Thượng hoàng nghe tin ấy, bảo họ:

"Đó đúng là những tấm thiếp của nhà nước đấy". Nhân ôn chuyện xưa4 mà dụ rằng:

"Những người ở trong triều mà không am hiểu điển cũ thì lỡ việc nhiều lắm".

Mùa đông, tháng 11, sai tể thần, tôn thất và các quan gặt ruộng tịch điền.

Sai Nhân Huệ Vương Khánh Dư đi Diễn Châu xét duyệt sổ lính, sổ dân, lấy Nội thư hỏa chánh chưởng phụng ngự Nguyễn Bính làm phó.

Xong việc về triều, Bính đem tiền bổng dâng nộp. Vua sai hữu ty nhận lấy. Có người hỏi: "Bính nộp tiền bổng mà bệ hạ nhận, thần chưa hiểu là cớ làm sao?".

Vua đáp: "Bính nộp tiền bổng là thành thực, nếu trẫm không nhận, thì hãm Bính vào tội dối trá, cho nên nhận lấy để tỏ rõ Bính không gian dối".

Bính là cận [34a] thần của Thượng hoàng, tính người trong sạch thẳng thắn, năm trước đứng đầu hành nhân sang sứ nước Nguyên, trở về không mua thứ gì, Thượng hoàng khen ngợi, đặc cách ban thưởng 2 tư. Theo lệ cũ, những người đi sứ Nguyên về, mỗi người được ban tước 2 tư, người đứng đầu hành nhân trở xuống, mỗi người 1 tư. Bính là người trong sạch thẳng thắn nên được 2 tư.

Lấy Trần Hùng Thao làm Thiếu phó.

Đinh Tỵ, [Đại Khánh] năm thứ 4 [1317], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 3, làm lễ thành hôn cho năm công chúa là Thiên Chân, Ý Trinh, Huy Chân, Huệ Chân, Thánh Chân.

Huy Chân lấy Uy Giản hầu (không rõ tên). Trước đây, mẹ thân sinh Huy Chân là Trần Thị Thái Bình làm cung tần của Thượng hoàng, tính tham lam, thường chiếm đoạt ruộng đất của dân. Có người kiện, vua không giao cho hữu ty, gọi Uy giản tới đưa đơn kiện cho xem và dụ rằng:

"Trẫm không giao cho quan lại xét, sợ làm nhục phi tần của tiên hoàng, ngươi nên theo đơn mà trả [ruộng cho] dân".

Uy Giản lập tức [34b] vâng chiếu trả lại ruộng. Sau Thái Bình chết, Uytất cả ruộng [bà] chiếm đoạt khi trước trả lại cho chủ cũ. Vua vì thế khen ông.

Thượng hoàng ngự cung Trùng Quang. Hình bộ lang trung Phí Trực theo hầu. Chức an phủ Thiên Trường khuyết, sai Trực kiêm làm.

Bấy giờ trộm cướp bắt đầu nổi lên, tên Văn Khánh là đầu sỏ bọn cướp. Có người khai là bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo nó là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, tên ấy nhận ngay, ai cũng cho là thực, duy có mỗi Trực vẫn ngờ. Án ấy để lâu không giải quyết. Thượng hoàng hỏi chuyện đó, Trực trả lời:

"Mạng người rất trọng, lòng tôi còn có chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết".

Không bao lâu, Thượng hoàng hỏi lại, Trực trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận bảo:

"Nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa". Trực tâu:

"Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ".

Một tháng sau, Văn Khánh quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng do đó khen Trực [35a] có tài.

Thượng hoàng có lần ban bữa ăn cho vua. Vua nhai rất kỹ, Thượng hoàng nói: "Đàn ông phải ăn như rồng nuốt, cọp cắn, cần gì phải nhai kỹ?". Khi ban bữa ăn cho vương hầu, thượng hoàng cũng dụ như thế.

Mậu Ngọ, [Đại Khánh] năm thứ 5 [1318], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, ngày 18, đem trưởng công chúa Thiên Chân gả cho Huệ Chính vương (không rõ tên). Phong Huệ làm Phò ký lang.

Mùa thu, tháng 8, ngày 19, Tuyên Từ thái hậu băng.

Sai Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành. Tộc tướng nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến chết tại trận. Quản Thiên võ quân Phạm Ngũ Lão tung quân đánh phía sau giặc. Quân giặc thua chạy, bắt được rất nhiều. Phong Ngũ Lão tước Quan nội hầu, ban cho phi ngư phù và cho con ông làm quan.

Bấy giờ, Thượng hoàng có ý xuất gia, nên sai cung nhân ăn chay. Các cung nhân đều ngần ngại, duy có nữ quan Nguyễn Thị Diên chặt ngón tay [35b] đem dâng. Thượng hoàng ngợi khen, ban cho 40 mẫu ruộng làm lương ăn tu hành ngày sau. Rồi Thị Diên quả nhiên đi tu cho đến lúc mất, Phật hiệu là Tịnh Quang ni.

Mùa đông, phụ táng Tuyên Từ thái hậu ở cạnh lăng Nhân Tông.

Trước đây, Nhân Tông từng dặn lại Anh Tông ngày sau phải đem dì (tức là thái hậu) táng ở cạnh lăng và vẽ bản đồ chôn cất thành huyệt hình thước thợ trao lại. Đến đây, Thượng hoàng theo di mệnh, đào cạnh lăng để chôn. Đất lăng nhiều bùn lầy, tiếng đào đắp vang động cả khu lăng. Thượng hoàng có vẻ lo. Trước đây, khi sắp chôn thái hậu [vào đấy], các quan tâu rằng không nên làm kinh động lăng tẩm. Thượng hoàng nói:

"Tiên đế có lệnh, ta không dám trái. Nếu có tổn hại gì, ta sẽ chịu cả".

Sau khi chôn không được bao lâu, Thượng hoàng bị bệnh, đầy năm thì băng.

Kỷ Mùi, [Đại Khánh] năm thứ 6 [1319], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 6). Mùa hạ, tháng 4, bến Đông Thiên Vương ở Đống Lâm lở 10 t.

[36a] Tháng 5, ngày 17, hoàng thái tử Vượng sinh tên hiệu là Thiên Kiến.

Nước to.

Mùa đông, tháng 11, hoàng thái tử Nguyên Trác sinh.

Canh Thân, [ Đại Khánh] năm thứ 7 [1320], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 3, ngày 16, thượng hoàng băng ở cung Trùng Quang phủ Thiên Trường, rước linh cữu vào cửa Tường Phù, quàn tại cung Thánh Từ.

Thượng hoàng tính tình khiêm tốn hoà nhã, hoà mục với người trong họ, mọi việc của triều đình đều tự mình quyết đoán. Khi thư rỗi trong muôn việc bận, Thượng hoàng để tâm tới việc trước thuật. Nhưng viết được gì, vẽ được gì, ngài đều đốt cả. Tập thơ ngự chế tên là Thủy vân tùy bút , trước khi mất, cũng đốt đi.

Hồi còn trẻ, thích uống rượu, Nhân Tông răn bảo chuyện đó, từ đấy không bao giờ uống nữa. Ngài từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều. Nhân Tông biết được, sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng:

"Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế", từ đó lại càng [36b] thận trọng khi ban chức tước. Ngài không ngại sửa lỗi như vậy đó!.

Quan nô là Hoàng Hộc và Thiên Kiện dùng mưu kế xảo trá, đánh lừa hình quan, người trong hương rốt cuộc phải chịu tội vu cáo. Thượng hoàng biết chuyện, bảo hình quan rằng:

"Tên Hộc gian ngoan xảo quyệt đến thế mà ngục quan không biết suy xét tình lý. Tình ngay lý gian thì không được lấy lý bỏ tình. Phải suy xét cả tình và lý, tình lý không xung đột thì mới là giỏi xử án. Nếu biết tình không gian, thì theo lý mà làm là phải, nếu tình quả là gian rồi, thì lại phải suy xét xem lý ngay hay cong, như vậy, điều gian dối sẽ tự khắc hiện ra, càng không nên tách rời tình lý làm hai mà xét".

Ngài sáng suốt, thận trọng về hình phạt lại như thế đấy.

Huy Tư được phong hoàng phi, thi theo hầu [thượng hoàng] chưa được ngồi kiệu. Bảo Từ lấy kiệu mình vẫn đi ban cho bà thì ngài trách rằng:

"Bảo Từ có thương yêu Huy Tư thì cho thứ khác là phải, chứ cái kiệu ngồi còn điển chế cũ, không thể [37a] cho được!".

Nguyễn Sĩ Cố, Chu Bộ là cận thần của thái tử. Đến khi thái tử lên ngôi. Cố và Bộ đều vì không có đức hạnh nên đều không được cất nhắc. Cố làm đến Thiên chương các học sĩ, chức này thực đặt làm vì, chứ không có quyền hành gì. Bộ thì chỉ coi mấy bộ cấm binh Khôi. Khi thượng hoàng thân đi đánh Chiêm Thành, Bộ chết trận, Cố thì chết trên đường đi. Hai người này phục vụ Thượng hoàng khó nhọc lâu ngày, nhưng vì tài không thể dùng được, nên đặc họ vào chức nhàn tản và đều cho bổng lộc tước trật ưu hậu cả mà không trao cho thực quyền.

Nguyễn Quốc Phụ làm Nội thư chánh chưởng, là cận thần của Nhân Tông. Khoảng năm Hưng Long [1293 - 1314] khuyết chức Hành khiển. [Có lần] Thượng hoàng chầu Nhân Tông ở chùa Sùng Nghiêm, Nhân Tông bảo: "Quốc Phụ được đấy!" [Thượng hoàng thưa:

"Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì [Quốc Phụ] được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!".

Nhân Tông im lặng rồi không dùng. Quốc Phụ cuối cùng vẫn giữ chức cũ cho đến khi chết. Ngài thận trọng đối với những chức vị quan trọng lại như thế đấy.

Bấy giờ rước linh cữu [thượng hoàng] [37b] đưa về Thiên Trường. Thuyền của Bảo Từ thái hậu có 8 dây kéo, thuyền của Huy Tư hoàng phi có 2 dây kéo. Người coi cấm quan có ý nịnh vua, lấy dây buộc thêm vào thuyền của hoàng phi. Tướng quân Trần Hựu nói:

"Thuyền của thái hậu có 8 dây kéo là quy chế của nhà Trần để tỏ rõ danh phận trên dưới", lập tước rút gươm cắt dây bỏ bớt đi. Việc đến tai vua, vua khen ông trung thành. Hựu là viên quan cận thần của Thượng hoàng.

Mùa hạ, tháng 6, nước to.

Mùa thu, tháng 8, gió to.

Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu rằng những người tranh nhau ruộng đất, nếu khám xét thấy không phải của mình mà cố tranh bậy thì bị truy tố, tính giá tiền ruộng đất, bắt đền gấp đôi. Nếu làm văn khế giả, thì bị chặt một đốt ngón tay bên trái.

Tháng 11, Điện súy thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão mất tại phũ đệ vua ban ở vườn cau trong thành, thọ 66 tuổi. Vua nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt.

Ngũ Lão [người làng] Phù Ủng, [huyện] Đường Hảo [châu] Thượng Hồng, lúc hơn hai mươi tuổi, [38a], Hưng Đạo Vương thấy và cho là có kỳ tài, đem con gái nuôi gả cho. [Ngũ Lão] nhân đó, làm gia thần cho vương, được vương dạy bảo thêm, tài nghệ tuyệt vời. Vương tiến cử ông.

Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ, nhưng rất thích đọc sách, là người phóng khoáng, có chí lớn, thích ngâm thơ, tựa như không để ý đến việc võ bị. Nhưng quân ông chỉ huy, thực là đội quân phụ tử, hễ đánh là thắng. Ông có làm bài thơ:

Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu,

Tam quân tỳ hồ khí thôn ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Vung giáo non sông trải mấy thu,

Ba quân tựa cọp nuốt trôi trâu.

Trai chưa trả nợ công danh được,

Còn thẹn khi nghe chuyện Vũ hầu)1015 .

Ông huấn luyện quân đội rất có kỷ luật, đối đãi tướng hiệu tực như người nhà, cùng đồng cam cộng khổ với binh sĩ, cho nên quân đi tới đâu, không ai dám chống; tất cả chiến lợi phẩm thu được đều sung vào kho quân, coi của cải như không, là bậc danh tướng của một thời vậy.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn [38b] tỏ ra ở bài hịch, Phạm điện súy thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, không chỉ có chuyện về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, đã tấn công là chiếm được, người xưa cũng không một ai vượt nổi các ông. Lê Phụ Trần thì dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo thái tử. Đủ biết, nhà Trần dùng người, vốn căn cứ vào tài năng của họ để trao trách nhiệm. Còn như quân Thiên thuộcThiên vũ) mà cấm không được vào học. Giả sử có người văn võ toàn tài sinh ra ở trong đó, thì chẳng bị kìm hãm lắm sao!

Tháng 12, ngày 12, táng Thượng hoàng vào Thái lăng ở Yên Sinh (Thái Lăng ở núi Yên Sinh, hai lăng Mục Lăng và Phụ Lăng cũng ở đó), miếu hiệu là Anh Tông, thụy hiệu là Hiển Văn Duệ Vũ Khâm Minh Nhân Hiếu Hoàng Đế.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Gốc của thiên hạ là ở nước, gốc của nước là ở nhà, [39a] gốc của nhà là ở mình. Có dạy được người trong nước. Đời Đường Ngu thịnh trị chẳng qua cũng là như vậy. Kinh Thư ca ngợi Đế Nghiêu dẫn dắt muôn dân bỏ ác làm thiện, đi tới thịnh trị, thì hẳn là vì trước hết ông biết thân yêu họ hàng6 , cũng tức là đã thực hiện giáo hóa bắt đầu từ trong nhà vậy. Tôi đọc sử chép về Anh Tông, thấy không ngần ngại sửa bỏ lỗi lầm, kính cẩn thờ phụng cha mẹ, hòa mục với họ hàng, truy tôn tổ tiên làm đế làm hậu, chu đáo trong cúng tế, thận trọng trong tang lễ, đều là phải đạo; trong nhà đủ làm khuôn phép, người ngoài bắt chước theo. Cho nên trên thì Nhân Tông khen là hiếu, dưới thì Minh Tông tuân theo khuôn phép. Nước trở nên văn minh,dân tới chỗ giàu thịnh. Như thế chẳng phải là hiệu quả trị nước vốn ở gốc tu thân tề gia là gì? Dù lời khen trong Thi, Thư7 cũng không hơn thế.

Lại nói: Thiên tử mất 7 tháng thì chôn, nay để hơn 9 tháng mới chôn. Có lẽ thế là theo thuyết âm dương chăng8 .

[39b] Trước đây, Anh Tông không khoẻ, vua ngày đêm ơ luôn ngoài cửa phòng ngủ của Thượng hoàng, mỗi khi vào thăm thì cùng đi với Quốc Chẩn. Vì Anh Tông tin cậy Quốc Chẩn hơn cả, định đem vua gửi gắm Quốc Chẩn, cho nên không cho vào thăm một mình, mà phải cùng đi với Quốc Chẩn, cốt để cho tình nghĩa vua tôi được khăng khít và không còn nghi ngại gì nữa.

Bấy giờ, Bảo Từ thái hậu cho gọi sư Phổ Huệ đến chùa Phổ Minh mở hội Quán đính9 . Anh Tông bệnh vừa chuyển nặng. Phổ Huệ xin được gặp để trình bày việc sống chết. [Anh Tông] sai trả lời rằng:

"Sư hãy đến đây, ta chết rồi, Quan gia có sai bảo gì, thì cứ việc làm. Còn như chuyện sau khi chết, thì sư cũng chưa chết, biết đâu mà trình bày việc chết với ta?".

Thái học sinh Đặng Tảo thường xuyên đứng hầu bên giường ngự để viết di chiếu. Anh Tông băng, vua đích thân khâm liệm. Chỉ có Quốc phụ cùng Tảo và gia nhi chủ nô là Lê Chung tham gia việc này. Đến khi rước linh cữu về sơn lăng, Tảo, Chung đều tới hầu [40a] lăng tẩm. Hàng năm, khi vua bái yết lăng, Tảo thườn lánh đi chổ khác, chỉ có ý nguyện ở lại phụng thờ lăng tẩm mà thôi, chứ không đòi xin gì khác.

Vua thương Tảo nghèo, ban cho 20 mẫu ruộng, sai Trần Thế Hưng mang giấy cho. Ruộng này khi trước đã ban cho thứ phi của vua là Thiên Xuân. Thiên Xuân cứ giữ giấy cũ mà cày cấy, thế mà Tảo vẫn không tranh chấp với bà. Thế Hưng biết chuyện, tâu thực với vua. Vua lập tức thu lại giấy của Thiên Xuân, đem ruộng trả cho Tảo, Tảo cũng chẳng lấy làm

Chung thì đời mồ mả tổ tiên, bán ruộng đất, nhà cửa, đem gia quyến vợ con đến Yên Sinh, chôn cất và làm nhà ở đấy. Cả hai người đều ở Yên Sinh cho đến khi mất. Sau này Nghệ Hoàng đến Yên Sinh, tưởng nhớ hai người bề tôi đó, liền sai Trần An trùng tu chùa cũ của Tảo và Chung, lại cấp ruộng để thờ cúng, ban tên chùa là chùa Trung Tiết.

Đổi đô Phù Liễn làm Khấu mã quân.

Đói.

Lấy Bùi Mộc Đạc tri Thẩm hình viện sự, kiêm [40b] Chuyển vận sứ lộ Hoàng Giang Hạ.

Tân Dậu, [Đại Khánh] năm thứ 8 [1321], (Nguyên Anh Tông Thạc Đức Bạt Lạt Chí Trị năm thứ 10). Mùa xuân, tôn Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu làm Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu, tôn mẹ thân sinh là Huy Tư hoàng phi làm Huy Tư hoàng thái phi (tức là Chiêu Từ hoàng thái hậu).

Tháng 2, gạo 1 thăng nhỏ trị giá 1 quan tiền.

Mùa hạ, lúa chiêm được mùa to.

Mùa đông, tháng 12, hoàng tử thứ ba là Phủ sinh.

Thi các tăng nhân, hỏi kinh Kim Cương.

Ban cho Trần Khắc Chung tước Quan nội hầu.

Sai sứ sang Nguyên mừng Anh Tông lên ngôi.

Lấy Nguyễn Trung Ngạn làm Ngự sử đài thị ngự sử.

Nhâm Tuất, [Đại Khánh] năm thứ 9 [1322], (Nguyên Chí Trị năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, lấy Huệ Túc Đại Vương Niên làm Phó ký lang.

Tháng 3, sét đánh tháp Báo Thiên, sụt mất 2 tầng góc bên đông.

Mùa hạ, người Nguyên [41a] tranh chấp biên giới. Sai Hình bộ thượng thư, ty Hành khiển là Doãn Bang Hiến sang Nguyên tranh biện. Hiến mất trên đường đi, vua rất thương tiếc.

Quý Hợi, [Đại Khánh] năm thứ 10 [1323], (Nguyên Chí Trị năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 8, ngày 22, vua ngự đến nhà Thái học. Có tên Mặc trong quân Thiên thuộc ở Hoàng Giang đỗ khoa thi Thái học sinh, vua xuống chiếu bắt trở lại quân ngũ, làm quân lại quân Thiên đinh, đến khi thi đánh gậy, [Mặc] lại đỗ cao.

Bấy giờ tuyển chọn các quân, lấy người béo trắng làm hạng trên, cho nên quân sĩ không xăm mình nữa là bắt đầu từ đấy.

Xuống chiếu rằng khi tranh ruộng mà ruộng có lúa, thì hãy chia làm 2 phần, bồi thường cho người cày 1 phần, còn 1 phần lưu lại. Đó là theo lời tâu của Đại an phủ Kinh sư kiêm Kiểm pháp quan Nguyễn Dũ. Dũ nổi tiếng ngang với Thiên Hư. Khi Thiên Hư thôi chức Kinh lược sứ Nghệ An, Lâm Bình, vua sai Dũ kế chức ấy. Người Chiêm [41b] cũng sợ phục.

Bấy giờ, quan trong triều như bọn Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hư, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dũ, Phạm Mai, Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Lê Duy (Duy người xã Cổ Định, huyện Nông Cống), Trương Hán Siêu, Lê Cư Nhân nối nhau vào triều, nhân tài rộ nở.

Anh em Ngộ, Mại vốn trước là họ Chúc, khi Nhân Tông xuất gia, làm nội học sinh theo hầu. Vua cho rằng họ Chúc không phải là họ lớn, mới đổi cho thành họ Phạm. Ngộ trước tên là Kiên, Mại trước tên là Cố, đều theo học Nguyễn Sĩ Cố. Kiên tránh tên của phán thủ Huệ Nghĩa đổi là Ngộ, Cố tránh tên của thầy, đổi là Mại. Mại ở ngự sử đài10 , cương trực dám nói, có phong cách người bề tôi can ngăn ngày xưa". Sau vào chính phủ, không được mấy năm bị bãi chức.

Trung Ngạn tên cũ là Cốt. Khi Anh Tông ngự cung Trùng Quang, có ý muốn xuất gia, có làm bài thơ "Chiêu ẩn"11 ban cho Trung Ngạn, Trung Ngạn từ chối không vâng mệnh.

Đĩnh Chi là người liêm khiết, [42a] sống rất đạm bạc. Vua rất hiểu ông, sai người ban đêm đem 10 quan tiền bỏ vào nhà ông. Hôm sau, Đĩnh Chi vào chầu, tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: "Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu". Thời Hiến Tông, ông làm Nhập nội hành khiển Hữu ty lang trung rồi thăng Tả ty lang trung.

Mùa đông, tháng 11, đúc tiền kẽm.

Tháng 12, sách phong con gái trưởng của Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn là Huy Thánh công chúa làm Lê Thánh hoàng hậu (tức là Hiến Từ thái hậu).

Lấy Uy Giản hầu (không rõ tên) làm Tham thị triều chính trị quân quốc sự. Thân thuộc có kẻ chê chức ấy thấp. Uy Giản bảo chúng:

"Bọn bay ngu quá, phàm bề tôi được chúa thượng trông tới, đều do ở lòng thánh lựa chọn, chứ không phải là sức người làm nổi, sao lại được càn rỡ nghĩ xằng? Ta may được đội ơn yêu quý, thực đã quá lòng mong muốn rồi, bàn chi đến chức cao hay thấp".

Vua nghe biết, cho là những lời nói phải.

[42b], Giáp Tý, [Khai Thái] năm thứ 1 [1324], (Nguyên Thái Định năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, đổi niên hiệu.

Xét duyệt các sắc mụ nội thị tạp lưu.

Mùa hạ, tháng 4, lấy Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn làm Nhập nội quốc phụ thượng tể, Kiểm hiệu thái úy Nhật Duật làm Tá thánh thái sư; Uy Túc công Văn Bích làm Nhập nội phụ quốc thái bảo, Văn Huệ công Quang Triều làm Nhập nội hiệu tư đồ.

Vua Nguyên sai Mã Hợp Mưu12 , Dương Tông Thụy sang báo tin lên ngôi13 và trao cho 1 quyển lịch.

Bọn Mưu đi ngựa đến tận đường ở cầu Tây Thấu Trì không xuống. Những người biết tiếng Hán, vâng lệnh tiếp chuyện, từ giờ Thìn đến giờ Ngọ, khí giận càng tăng.

Vua sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra đón. Trung Ngạn lấy lẽ bẻ lại, Hợp Mưu đuối lý, phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ. Vua rất hài lòng.

Rồi sau bàn việc trái ý vua, [Ngạn] bị giáng làm Thông phán châu Viêm Lãng, [43a] được tiếng là chính sự giỏi. Ít lâu sau, được thăng làm Thiêm tri Thánh Từ cung sự.

Ban cho Trần Bang Cẩn bức tranh và bài thơ. Bấy giờ, Bang Cẩn làm Đại hành khiển thượng thư tả bộc xạ, là người tín thực giữ gìn, giản dị điềm tĩnh, không xa hoa. Vua ban cho bức tranh và bài thơ rằng:

Hình dung cốt cách nại đông hàn,

Tướng mạo đình đình diệc khả khan.

Phong lưu nhất đoạn hồn miận,

Tâm lý nan miêu cảnh cảnh đan.

(Cốt cách dáng hình chịu rét đông,

Hiên ngang tướng mạo thực nên trông.

Phong lưu mọi vẻ đều nên cả,

Vẽ sao canh cánh tấm lòng trung).

Mùa đông, tháng 12, cấm tiền kẽm.

Năm này hạn hán, sâu bọ; trâu bò, gia súa chết nhiều.

Ất Sửu, [Khai Thái] năm thứ 2 [1325], (Nguyên Thái Định năm thứ 2). Mùa xuân, đặt ty Liêm phỏng ở các lộ. Lấy Đặng Lộ làm Liêm phỏng sứ hai lộ Đại Hoàng và An Tiêm.

Mùa thu, tháng 8, ban xuống các điều lệ mới quy định.

Theo quy chế cũ, Hành khiển ty ở cung Quan Triều và Thánh Từ, cùng Nội thư hỏa cục thì gọi chung là Nội mật viện. Đến nay, đổi Hành khiển ty thành Môn hạ sảnh, còn Nội thư hỏa cục vẫn là Nội mật [43b] viện.

Tư đồ Văn Huệ công Quang Triều mất (thọ 39 tuổi).

Bính Dần, [Khai Thái] năm thứ 3 [1326], (Nguyên Thái Định năm thứ 3). Từ tháng 2, mùa xuân, đến tháng 6 không mưa.

Tháng 3, Trung thư thị lang tri Thẩm hình viện sự Bùi Mộc Đạc mất.

Trước đây, khi Anh Tông sắp băng có bảo vua:

"Mộc Đạc trải thờ ba triều, là người cung kính, thận trọng, giữ gìn, học thức khả quan, nên đãi ngộ cho khéo, chớ để bị người ta ngăn trở".

Vua sai vẽ chân dung Mộc Đạc cất ở nhà sách, có ý định dùng vào chức to, nhưng chưa kịp thăng thì mất (thọ 62 tuổi).

Mùa thu, tháng 7, xét duyệt các quan văn võ.

Lấy Nội thư hỏa chánh chưởng phụng ngự Tạ Bất Căng làm Nhập nội hành khiển, hành Tả ty lang trung. Lấy Trần Khắc Chung làm thiếu bảo, hành Thánh Từ cung Tả ty sự, ban tên tự là Văn Tiết, hàm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự.

Buổi quốc sơ, theo quy chế cũ của nhà Lý, hàm Hành khiển có thêm các chữ Trung thư môn hạ bình [44a] chương sự. Từ khi thượng tướng Quang Khải ở ngôi tể tướng, chê chức hành khiển và chức tể tướng ngang hàng nhau, mới tâu xin đổi thành Trung thư môn hạ công sự để cho có phân biệt.

Đến đây, vua cho Khắc Chung thăng chức Thiếu bảo, nhưng vẫn làm việc hành khiển; để ưu đãi, nên đặc cách thêm các chữ Trung thư môn hạ bình chương sự, là theo quy chế cũ.

Giáng Nguyễn Trung Ngạn làm An phủ sứ Thanh Hóa.

Trung Ngạn có tính hay sơ xuất. Bấy giờ, Bảo Vũ Vương được ban tước Tạo y thượng vị hầu14 , Trung Ngạn ghi sổ, lại xếp vào hàng Tử y15 . Vua thương ông có tài, vả lại cũng là do lầm lỡ, không bắt tội, nên đuổi ra làm quan bên ngoài. Trung Ngạn từng làm bài thơ tự phụ rằng:

Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí,

Diệu kinh dĩ hữu thốn ngưu chí.

Niên phương thập nhị thái học sinh,

Tài đăng thập lục sung đình thí.

Nhị thập hựu tứ nhập gián quan,

Nhị thập hựu lục Yên kinh sứ.

(Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu1026 ,

Có chí nuốt trâu từ niên thiếu.

Tuổi mới mười hai thái học sinh,

Vừa đến mười sáu dự thi đình.

Hai mươi bốn tuổi làm quan gián,

Hai mươi sáu tuổi sứ Yên Kinh)1027 .

Ông kiêu căng như vậy đấy. Về sau, hai lần sung chức [44b] Hựu sảnh18 . Đến thời Dụ Tông, vào chính phủ, giữ trọn tiếng tốt, không phụ là bậc nho giả, thọ hơn 80 tuổi. Có Giới Hiên tập lưu hành ở đời.

Bấy giờ Trương Hán Siêu làm Hành khiển. Một hôm, Siêu nói trong triều rằng hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Vua lập tức sai điều tra. Hán Siêu nói kín với người khác:

"Tôi làm việc ở chính phủ, được chúa thượng tin dùng, cho nên mới nói thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này!".

Vua nghe vậy nói: "Hành khiển là quan ở sảnh, Thẩm hình là quan ở viện, ta đều tín nhiệm cả. Sao lại làm ta tin quan sảnh mà ngờ quan viện?".

Đến khi tra hỏi, Hán Siêu đuối lý phải phạt 300 quan tiền.

Ít lâu sau, lấy Phạm Ngộ làm Tham tri chính sự đồng tri thượng thư Tả ty sự, chức ngang với Hán Siêu. Ngộ tuy học vấn không bằng Hán Siêu, nhưng làm quan thanh liêm cẩn thận, được tiếng khen ở thời đó.

Huệ Túc Vương đánh Chiêm Thành không thắng lợi [45a] trở về. Vua nói:

"Tiên đế tắm mưa gội gió mới bắt được chúa nước nó. Quốc phụ là một trọng thần, phụng mệnh đi đánh19 , khiến chúa nước giặc là Chế Năng phải chạy sang nước khác (Chế Năng chạy sang Trảo Oa cầu cứu), lập tù trưởng A Nan làm Hiệu Thánh á vương. Nay Huệ Túc chỉ là một vương thôi, uy vọng không thể sánh với Quốc phụ, thế mà ta cứ ở yên trong cung, trao cho chuyên việc đánh dẹp, muốn bắt sống chúa nó thì làm nổi chăng?".

Đinh Mão, [Khai Thái] năm thứ 4 [1327], (Nguyên Thái Định năm thứ 4). Mùa hạ, tháng 5, sét đánh lăng tẩm. Quần thần bàn việc ấy. Xuống chiếu phạt bọn Thiếu bảo Trần Khắc Chung, Hành khiển Đoàn Nhữ Hài theo mức độ khác nhau.

Sau hôm sét đánh, các quan họp bàn ở Nội nhân văn cục. Các vương hầu cùng giải lao với Trần Khắc Chung và Đoàn Nhữ Hài. Khắc Chung nói chuyện có giọng hài hước. Nhữ Hài vội đứng dậy bỏ đi. Khắc Chung nói xong mọi người đều cười, [45b] bị quan Ngự sử hặc tội. Xuống chiếu phạt Khắc Chung và Nhữ Hài. Nhữ Hài cãi:

"Lúc cười đùa thì thần đã đi rồi".

Vua nói:

"Nhữ Hài nghe biết là đùa cợt, không ngăn, lại bỏ mà đi, thế là cố ý hãm mọi người vào tội lỗi mà tính kế tránh lỗi cho mình".

Rốt cuộc vẫn phạt Nhữ Hài.

Có viên quan tên là Hiệu Khả ca ngợi vua giỏi hơn Anh Tông. Vua biến sắc mặt, ngăn không cho nói và bảo:

"Ai mà khen người khác là giỏi hơn cha, thì người ấy hẳn là bất hiếu với cha mẹ, cho nên mới nói ra câu ấy".

Hiệu Khả không biết chiều cha mẹ, nên vua nói thế để răn đe y.

(Hiệu Khả là người trong lòng trí trá. Có lần, vua lấy ra hai chiếc hòm đựng áo mặc, sai Hiệu Khả xếp loại tốt xấu và bảo Khả: "Một cái do chính tay Thái thượng tự làm, một cái do nội nhân Lê Kế làm, cả hai đều tinh xảo cả, ngươi chỉ xem cái nào khéo hơn".

Hiệu Khả xem đi xem lại hai ba lần rồi nói úp mở theo kiểu nước đôi: "Chúa thượng có cái khép của chúa thượng, bề tôi cũng có cái khéo của bề tôi".

Vua cũng phải phì cười.

S ử thần Ngô Sĩ Liên nói: Câu nói ấy của vua, tuy là nhất thời nói ra với Hiệu Khả, [46a] nhưng tấm lòng trung hậu qua đó cũng đủ rõ.

Mậu Thìn, [Khai Thái] năm thứ 5 [1328], (Nguyên Trí Hoà năm thứ 1, từ tháng 9 trở đi là Văn Tông Đồ Thiếp Mục Nhĩ năm Đại Lịch thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, giết Quốc phụ thượng tể Quốc Chẩn.

Bấy giờ, vua ở ngôi đã 15 năm, tuổi đã cao mà vẫn chưa lập thái tử. Cha hoàng hậu là Quốc Chẩn giữ ý định đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập. Cương Đông Văn Hiến hầu (không rõ tên) là con (có sách chép là em) của Tá Thánh thái sư Nhật Duật, muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, bảo nó vu cáo Quốc Chẩn âm mưu phản loạn. Vua tin là thực, giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến, lại cùng mẹ với Vượng, đều là người Giáp Sơn và đã từng làm thầy dạy Vượng, liền trả lời: "Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó". [46b] Vua mới cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậy lấy áo tẩm nước cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Bắt bớ đến hơn trăm người liên can. Mỗi khi xử án, bị can phần nhiều đều kêu oan.

Vài năm sau, gặp khi vợ cả vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút vàng tâu lên vua. Phẫu bị hạ ngục. Ngục quan Lê Duy là người cương trực, xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị lăng trì, nhưng chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Võ (không rõ tên) là con của Quốc Chẩn đã ăn sống hết cả thịt của nó. Văn Hiến được miễn tội chết, bị giáng làm dân thường, xóa tên trong sổ [hoàng tộc].

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ngôi thái tử là gốc của nước, không thể không lập sớm. Phận chính đích không thể để chi thứ phạm bừa. Vua ở ngôi đã lâu, con thứ đã lớn rồi mà con chính đích chưa sinh, thì làm thế nào? Tòng quyền là phải. Đợi con đích là chấp chính20 , lập [47a] con thứ là tòng quyền. Đến khi con đích sinh ra, lớn lên, thì gia phong cho con thứ tước vương, còn ngôi thái tử trả về con đích, ai bảo là chẳng nên?.

Có người hỏi rằng: "Lỡ có chuyện không lành, vua cha mất trước thì nguy lắm".

Xin thưa: Hãy chămchú vào lời dạy thường ngày, nhận rõ lấy những lời trong di chiếu, chọn người bề tôi xã tắc, ủy cho việc gửi gắm con côi, thì không có lo gì. Huống chi Minh Tông chính mình ở vào cảnh ấy rồi, tất nhiên có thể xử trí được ổn thỏa. Quốc Chẩn là người cố chấp không linh hoạtt, để cho kẻ gian thần thừa dịp gieo vạ, đáng thương thay!Kinh dịch có câu: "Xét xem có chỗ sáng tỏ thông suốt mà thi hành điển lễ". Quốc Chẩn có lẽ chưa nghe bao giờ! Nhưng mối oan của ôn không thể không làm cho rõ.

Còn như Trần Khắc Chung cũng là nhân vật của một thời, vua trao cho hắn chức vị sư bảo21 , và đem việc nước hỏi hắn, đáng lẽ phải hết lòng trung khuyên can, để cho vua mình trở thành Nghiêu Thuấn mới phải. Thế mà lại vào hùa với kẻ [47b] quyền quý, làm hại người ngay thẳng, đi theo bọn gian tà, đẩy người lành tới nỗi oan khiên, hãm đức vua vào việc làm tội lỗi. Việc ấy mà nhẫn tâm làm được, thì còn việc gì mà không nhẫn tâm làm nữa? Sau lại xui vua cầu công đi đánh Chiêm Thành, thì cái thói nịnh hót lại lộ ra nữa. Cho nên, bậc làm vua khi dùng người hiền, phải xét kỹ họ, là bởi sợ rằng có đứa tiểu nhân như bọn Khắc Chung có thể lọt vào trong đó vậy.

Lập hoàng tử Vượng làm Đông cung thái tử; phong con thứ là Nguyên Trác làm Cung Tĩnh Đại Vương.

Kỷ Tỵ, [Khai Thái] năm thứ 6 [1329], (từ tháng 2 trở đi là Khai Hựu năm thứ 1, Nguyên Đại Lịch năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 7, sách phong Đông cung thái tử Vượng làm Hoàng thái tử.

Ngày 15, vua nhường ngôi, Vượng lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Khai Hựu năm thứ 1. Đại xá. (Vua tự) xưng là Triết Hoàng, Tôn Thượng hoàng là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng [48a] Hoàng Đế. Tôn Lệ Thánh hoàng hậu làm Hiến Từ thái thượng hoàng hậu (Hiến có sách chép là Huệ). Quần thần dâng tôn hiệu là Thể Nguyên Ngự Cực Duệ Thánh Chí Hiếu Hoàng Đế.

Rước thượng hoàng về ở hành cung Thiên Trường. Các hoàng tử chầu hầu.

Thượng hoàng thường hay bàn đến các nhân vật của bản triều. Thái bảo Uy Túc Văn Bích nói:

"Xét bàn nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nhắc tới người thiện, còn kẻ ác hãy bỏ chớ bàn đến, sợ các hoàng tử nghe được, có thể sẽ có người bắt chước".

Thượng hoàng nói:

"Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu (con ta) không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang22 thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dưỡng Đế1033luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Kiệt, Trụ, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao".

Uy Túc cúi đầu nhận là phải.

Lại một hôm, [thượng hoàng] mời Huệ Túc Vương vào tẩm điện, bảo ông ngồi. Thượng hoàng đang ăn chay. Huệ Túc Vương vốn bài xích Phật Lão, nhân nói:

"Thần không biết ăn chay thì có ích lợi gì?".

Thượng hoàng đoán biết ý ông, liền dụ rằng:

"Ông cha ta ngày xưa thường ăn cơm chay, cho nên ta bắt chước đó thôi, còn ích lợi gì thì ta không biết".

Huệ Túc im lặng rồi lui ra.

Phong Tá thánh thái sư Nhật Duật làm Đại Vương.

Mùa đông, Thượng hoàng đi tuần thú đạo Đà Giang, đích thân đi đánh man Ngưu Hống, sai Thiêm tri Nguyễn Trung Ngạn đi theo để biên soạn thực lục.

Trước đó, thời Nhân Tông, Ngưu Hống cùng Đạo Mật vào chầu, cho trở về. Đến nay, chúng làm phản, thả sức cướp bóc; đất cõi Đà Giang về tay chúng cả23 lại mưu cướp nhà Hoài Trung. Thượng hoàng quyết định thân chinh. Trần Khắc Chung can rằng:

"Đà Giang vốn có tiếng là đất lam chướng, lại nhiều ghềnh thác chảy xiết, không [49a] lợi cho việc hành quân. Chiêm Thành không có lam chướng, khí độc, vả lại đế vương đời trước thân chinh, nhiều lần bắt được chúa nó. Chi bằng bỏ Ngưu Hống đấy mà đánh ChiêmThành là hơn. Thượng hoàng nói:

"Trẫm là cha mẹ dân, nếu sinh dân mắc vào cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ lợi hại hay sao?". Khắc Chung lạy tạ tâu rằng:

"Lòng thánh che chở, nuôi dưỡng rộng khắp, không phải là điều mà trí ngu tối của thần có thể nghĩ tới được".

Trước đây, khi Thượng hoàng sắp đi đánh Ngưu Hống, người Chiêm Chiêu đế cửa khuyết dâng thư, đinh ninh rằng sẽ xin đem cả trại ra hàng, nên đã khắc phù24 làm tin. Thượng hoàng đang muốn lên trên thành trại của họ, bắt chước chuyện vua Hán Vũ Đế lên đài của chúa Hung Nô ngày xưa. Đến khi thân chinh, sai Chiêm Nghĩa tiến sang để tiếp ứng quân nhà vua và dặn rằng:

"Trại Chiêm Chiêu đã ước hẹn xin hàng, phải đợi quân ta tới, không được hành động liều".

Thượng hoàng đến Mường Việt25 , đóng quân lại, ban tên [cho đất ấy] là phủ Thái Bình; [ở đây] có suối Bác Tử, ban tên là suối Thanh Thủy [48b]. Chiêu Nghĩa hầuj tới Chiêm Chiêu, muốn tâng công, tấn công trại, bị thua. Tuyên uy tướng quân Vũ Tư Hoằng liều sức chiến đấu, chết tại trận. Thượng hoàng nghe tin nói: "Đã lỡ rồi!".

Song chiến dịch này, Thượng hoàng đích thân chỉ huy, hiệu lệnh nghiêm minh, uy thanh vang dội, Ai Lao nghe tiếng chạy tan.

Khi về đến sông Bạch Hạc, giữa sông có đá ngầm dọc theo dòng chảy. Thuyền đi thường bị chạm phải hay mắc cạn. Nghe nói thần sông ấy là Phụ Vũ Đại Vương. Thượng hoàng khấn thầm: "Nếu thuyền ngự đi được an toàn thì sẽ khen thưởng".

Sau này Hưng Hiếu Vương đi đánh man Đà Giang, đỗ thuyền trên sông Bạch Hạc, đêm thấy thần báo mộng rằng: "Năm trước vua có lệnh khen thưởng mà đến nay vẫn chưa thấy gì".

Hưng Hiếu Vương về tâu lại, Thượng hoàng bèn phong thêm cho hai chữ: Quỷ thần thiêng liêng, ứng nghiệm, quả không sai là ngoa vậy.

Lấy Vũ Nghiêu Tá làm Nhập nội hành khiển Môn hạ hữu ty lang trung.

Nghiêu Tá (người Hồng Châu) với em là Nông, [50a], đều đỗ cùng một khoa hồi Thượng hoàng còn ở ngôi vua. Anh em đều nổi tiếng văn học, Nghiêu Tá làm Hành khiểnNội mật viện sự. Đến nay, trao cho chức này.

(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)