Trùng Quang Đế
重光帝
Vua Việt Nam (chi tiết...)
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì 17 tháng 3 năm 1409 – 31 tháng 3 năm 1414
(5 năm, 14 ngày)
Tiền nhiệm Giản Định Đế
Thái thượng hoàng Giản Định Đế
Kế nhiệm Trần Cảo
Thông tin chung
Tên húy Trần Quý Khoáng
Niên hiệu Trùng Quang (重光: 1409 - 1414)
Triều đại Nhà Hậu Trần
Thân phụ Trang Định vương Trần Ngạc
Mất 1414

Trùng Quang Đế (chữ Hán: 重光帝, ? – 1414) là vị vua thứ hai của triều Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông có tên huý là Trần Quý Khoáng hay Trần Quý Khoách1 (陳季擴), sinh tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội, Việt Nam. Thời gian ở ngôi của Trùng Quang Đế là thời kỳ chống sự đô hộ của nhà Minh sau khi nước Đại Ngu của nhà Hồ bị xâm chiếm.

Thân thế

Trùng Quang Đế là con của Trang Định vương Trần Ngạc, và là cháu nội vua Trần Nghệ Tông. Khi chú ông là Giản Định Đế (Trần Ngỗi) nghe lời gièm pha giết chết hai tướng dưới trướng là Đặng TấtNguyễn Cảnh Chân, ông được Đặng Dung (con của Đặng Tất) và Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) đưa lên làm vua thay thế cho Giản Định Đế. Tuy nhiên Giản Định Đế vẫn được ông tôn lên làm thượng hoàng.

Tôn lập thượng hoàng

Trần Quý Khoáng lên ngôi ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Sửu (1409), phong Nguyễn Suý làm thái phó, sai đem quân đón Giản Định Đế để tránh sự phân tán lực lượng. Quân của Trần Giản Định là Hành khiển Lê Triệt và Lê Nguyên Đỉnh dấy quân chống lại xong bại lộ, bị giết. Ngày 20 tháng 4, Giản Định bị dẫn về Nghệ An, Trùng Quang khiêm nhường mặc thường phục xuống thuyền đón rước, tôn Giản Định làm thái thượng hoàng.

Tháng 7 năm 1409, vua Trùng Quang cùng thượng hoàng chia quân hai đường đánh quân Minh. Thượng hoàng Trần Ngỗi đóng ở Hạ Hồng (Ninh Giang, Hải Dương), Trùng Quang đế đóng ở Bình Than. Quân Minh cố thủ không dám ra đánh. Tướng Minh là Trương Phụ đem quân cứu viện, thượng hoàng thấy liền rời thuyền chạy lên trấn Thiên Quan, Trần Quý Khoáng nghi ngờ thượng hoàng có lòng khác, liền sai người đuổi theo. Nguyễn Súy đuổi theo không kịp, nhưng Trương Phụ lại bắt được thượng hoàng Trần Ngỗi, giải về Kim Lăng giết chết.

Tận lực chống Minh

Nhà Minh muốn đánh chiếm Đại Ngu lâu dài nên năm 1410, tổng binh Trương Phụ sai quân mở đồn điền ở địa bàn Tuyên Quang, Thái Nguyên, Tam Giang tạo lương thực cho quân, lại cấp ruộng đất cho các thổ quan đầu hàng để họ thu tô thay cho bổng lộc, cấp ruộng đất cho quân đội để cày cấy lấy lương thực. Nhà Minh còn cấp bằng ghi công trạng cho các thổ quan đi đánh dẹp quân khởi nghĩa người Việt. Vì vậy có một bộ phận người Việt là thổ quan, hàng tướng phản bội, cùng với những kẻ nhát gan đã từng tiếp tay cho địch diệt nhà Hồ, nay lại tiếp tay cho giặc đàn áp cuộc khởi nghĩa của Trùng Quang Đế, khiến cuộc khởi nghĩa gặp trăm ngàn khó khăn. Nhưng vua tôi Trùng Quang vẫn dũng cảm chiến đấu.

Tháng năm năm 1410, Trùng Quang Đế và Nguyễn Cảnh Dị đánh thắng quân của Đô đốc Giang Hạo nhà Minh ở La Châu, Hạ Hồng, thừa thắng truy kích đến bến Bình Than, đốt phá thuyền trại của người Minh.

Tháng bảy năm 1411, Trùng Quang Đế và Nguyễn Súy chia quân đánh các cửa biển, bắt nhóm thổ quan theo giặc và Nguyễn Chính ở Bài Lâm, chém bêu đầu cảnh cáo.

Tháng sáu năm 1412, Trương Phụ, Mộc Thạnh đem quân đánh Nghệ An gặp quân của Nguyễn Suý, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung ở Mô Độ ở vùng Ninh Bình, Nam Định. Chưa phân thắng bại thì Nguyễn Suý, Cảnh Dị rồi Hồ Bối đều bỏ chạy, Đặng Dung phải dùng thuyền nhẹ rút lui ra biển, các thành tại Thanh Hoá, Diễn Châu, Nghệ An bị chiếm.

Cùng lúc đó, Nông Văn Lịch ở Lạng Sơn cầm đầu quân khởi nghĩa "áo đỏ" chặn đường giao thông, giết chết được Tham chính người Việt là Mạc Thuý2 của giặc và tiêu diệt được khá nhiều quân giặc. Nguyễn Liễu ở Lý Nhân chiêu tập người các huyện Lục Na, Vũ Lễ đánh quân Minh trong mấy năm nhưng do thiếu sự liên kết với vua nên các thế lực này dần tan vỡ.

Sau khi bị dồn về phía Nam, đến tháng 3 năm 1413 Trùng Quang Đế mới trở lại Nghệ An với một lực lượng đã suy yếu nhiều, nhưng vẫn nuôi hy vọng phục hồi thế trận. Trương Phụ lại đánh vào Nghệ An, vua phải rút về Châu Hóa, sai Nguyễn Biểu làm sứ đi cầu phong, đến Nghệ An bị Trương Phụ bắt giữ, Nguyễn Biều tức giận mắng Trương Phụ và bị Phụ giết chết.

Trương Phụ được Việt gian Phan Liêu3 chỉ điểm cho biết nơi quân Hậu Trần ẩn náu liền đem quân vào châu Hoá, song vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các tướng nhà Trần. Nguyễn Súy dàn trận tại kênh Thái Đà, đánh nhau ác liệt, Đặng Dung dùng voi đánh úp dinh của Phụ, định nhảy lên thuyền Phụ bắt sống mà không nhận được mặt, Phụ nhảy lên thuyền nhỏ trốn mất, quân Minh tan vỡ quá nửa, thuyền chiến vũ khí bị đốt phá gần hết. Thế nhưng Nguyễn Súy không chịu hợp sức cùng Đặng Dung chiến đấu, mà quân thì còn rất ít. Trương Phụ thấy vậy xua tàn quân phản công, thay đổi cục diện. Quân Đặng Dung phải lui, ẩn nấp trong hang núi, thế lực suy giảm. Sau đó, cả Đặng DungNguyễn Cảnh Dị bị quân Minh bắt, Nguyễn Cảnh Dị mắng Phụ và bị giết.

Ngày 31 tháng 3 năm 1414, Trùng Quang Đế chạy sang nước Lão Qua, sau đó bị người của Phụ bắt.4 Các tướng Hậu Trần cũng lần lượt bị bắt. Người của Thuận Hóa cũng ra hàng, từ đó nhà Hậu Trần chấm dứt.

Đầu năm 1414, vua Trùng Quang cùng các bầy tôi bị giải về Trung Quốc. Giữa đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống nước tự vẫn. Các bầy tôi của ông là Đặng Dung, Nguyễn Súy sau đó cũng đều tự vẫn chết vì nước. Theo Minh thực lục, ngày 16 tháng 8 năm 1414, Trùng Quang Đế bị giải tới kinh đô nhà Minh và xử tử.5

Nhận định

Trùng Quang Đế là vị vua yêu nước, trọng nghĩa, yêu thơ văn chữ Nôm, các tác phẩm của ông có nội dung trong sáng, đề cao tinh thần thượng võ của dân tộc. Trong nhiều sách còn ghi lại bài thơ tiễn Nguyễn Biểu đi sứ và bài văn tế Nguyễn Biểu của vua, thể hiện lòng cảm kích của vua với khí tiết đáng trân trọng của Nguyễn Biểu.

Vua tôi Trùng Quang Đế có thừa lòng quyết tâm phục quốc nhưng lực bất tòng tâm, không thể chống lại được quân đội nhà Minh dưới thời Minh Thành Tổ Chu Đệ hiếu chiến hơn các vua Nhân Tông, Tuyên Tông đời sau (thời khởi nghĩa Lam Sơn) và tướng Trương Phụ giỏi bậc nhất của Trung Quốc khi đó. Giống như Hậu Lý Nam Đế, Khúc Thừa Mỹ, cha con Hồ Quý Ly và thượng hoàng Giản Định Đế, vua Trùng Quang bị sa vào tay giặc. Nhưng khác với tất cả các vị đi trước, Trùng Quang Đế đã nhảy xuống sông Lam tự vẫn mất theo nước.

Lăng mộ hiện tại ở xóm Đức Thịnh,xã Hưng Lộc thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An.

Ông là vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam chọn cái chết oanh liệt khi chống ngoại xâm thất bại. Cái chết của ông để người Minh thấy rằng dù chiếm được nước Đại Ngu nhưng họ không thể nào khuất phục được người Việt.

Chú thích

  1. ^ Trần Trọng Kim (1974). “Chương XII: Nhà Hậu Trần”. Việt Nam sử lược. Trung tâm Học liệu Xuất bản. tr. 202.  Đã bỏ qua tham số không rõ |origdate= (trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp); ||ngày truy cập= cần |url= (trợ giúp)
  2. ^ Tổ 4 đời của Mạc Đăng Dung
  3. ^ Liêu là con của Phan Quý Hựu làm quan tri châu ở châu Hóa
  4. ^ Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu: an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Singapore E-Press, National University of Singapore, http://epress.nus.edu.sg/msl/reign/yong-le/year-12-month-3-day-10, accessed January 23, 2017
  5. ^ Geoff Wade, translator, Southeast Asia in the Ming Shi-lu: an open access resource, Singapore: Asia Research Institute and the Singapore E-Press, National University of Singapore, http://epress.nus.edu.sg/msl/reign/yong-le/year-12-month-8-day-2, accessed January 23, 2017

Xem thêm

(Nguồn: Wikipedia)