Lê Dụ Tông
黎裕宗
Vua Việt Nam (chi tiết...)
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì 1705 – 1729
Tiền nhiệm Lê Hy Tông
Chúa Trịnh Trịnh Căn
Trịnh Cương
Kế nhiệm Lê Đế Duy Phường
Thái thượng hoàng Đại Việt
Tại vị 1729 – 1731
Tiền nhiệm Lê Hy Tông
Kế nhiệm Lê Ý Tông
Thông tin chung
Tên thật Lê Duy Đường
Niên hiệu
  • Vĩnh Thịnh (永盛: 1706 - 1719)
  • Bảo Thái (保泰: 1720 - 1729)
Thụy hiệu Thuần Chính Huy Nhu Ôn Giản Từ Tường Khoan Huệ Tôn Mẫu Hòa Hoàng đế
Miếu hiệu Dụ Tông (裕宗)
Triều đại Nhà Lê trung hưng
Thân phụ Lê Hy Tông
Sinh 1679
Mất 1731 (51–52 tuổi)
Việt Nam

Lê Dụ Tông (chữ Hán: 黎裕宗, 1679 – 1731) là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Lê trung hưng, trong lịch sử Việt Nam. Ông có tên húy là Lê Duy Đường (黎維禟, 黎維禎) – là con trai trưởng của vua Lê Hy Tông.

Cuộc đời

Lê Dụ Tông được vua cha truyền ngôi vào tháng 4 năm Ất Dậu (1705) và lấy niên hiệu là Vĩnh Thịnh. Đến năm 1720, nhà vua đổi niên hiệu thành Bảo Thái.

Theo Lịch triều tạp kỷ thì ông Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy binh đao, trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc. Pháp độ được rất đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành, thượng quốc (Trung Quốc) thì trả lại đất. Có thể gọi là đường cực thịnh. Nhà vua rủ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị ở thời bấy giờ người ta tất phải kể đến đời vua này. 1 .

Năm 1718, sứ nhà Thanh sang Đại Việt phong cho nhà vua làm An Nam quốc vương. Do sự tranh nghị của triều đình, các quan nhà Thanh cho phép nhà vua hành lễ tam khấu ngũ vái thay vì tam quỳ cửu khấu trước chiếu chỉ vua Thanh. Năm 1724, Dụ Tông bị bệnh đau chân, chúa Trịnh Cương thay quyền ông làm lễ tế nam giao.

Năm 1727, Trịnh Cương bức Lê Dụ Tông phế bỏ trưởng hoàng tử Duy Tường, lập con trai của chính cung Trịnh Thị2 là Duy Phường làm Hoàng thái tử. Từ sau khi đó, Dụ Tông cảm thấy oán hận. Theo bản tấu của Bùi Sĩ Tiêm gửi lên chúa Trịnh Giang thì

Tôi thường thấy lúc tiên đế trị vì, khí sắc bực tức bất bình thổ lộ ra trong câu văn hoặc lời nói.3

Ngày 20 tháng 4 nǎm Kỷ Dậu (1729), ông bị An Đô Vương Trịnh Cương ép nhường ngôi cho Thái tử Lê Duy Phường (sau bị phế làm Hôn Đức Công) rồi ra ở cung Kiền Thọ, xưng là Thuận Thiên thừa vận Hoàng thượng. Cương mục cho biết rằng, từ khi bị ra ở điện Kiền Thọ, Thượng hoàng u uất, không vui. Đến tháng Giêng nǎm Tân Hợi (1731), thì ông qua đời, hưởng thọ 52 tuổi, truy tôn là Hòa hoàng đế, miếu hiệu Dụ Tông.

Di hài

Trong nhiều tài liệu lịch sử và cả "Lê triều ngọc phả" có ghi, sau khi qua đời, vua Lê Dụ Tông được chôn cất tại làng Cổ Đô, huyện Đông Sơn (nay là xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hoá) và sau đó mới di táng đến lăng Kim Thạch, trấn Lôi Dương.. Còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì vua Lê Dụ Tông được táng ở lăng Cổ Đô, Đông Sơn, Thanh Hóa, sau dời đi táng ở lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (nay thuộc Thọ Xuân và Thường Xuân).

Phát hiện

Tháng 2 năm 1958, một nông dân ở làng Bái Trạch (Trang Bàn Thạch xưa), trong lúc đào vườn đã phát hiện một chiếc quách. Phá vỡ ra một mảng thì thấy bên trong có quan tài sơn son, thiếp vàng. Sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng đã về xử lý bằng cách dùng xi măng vá kín chỗ bị vỡ, sau đó giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Khai quật

Từ khi phát hiện ngôi mộ, nhiều kẻ xấu thường xuyên dòm ngó, gây bất an cho chính quyền sở tại. Vì vậy, đầu năm 1964, được phép của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906 - 2000) và Bộ Văn hóa, đội khảo cổ thuộc Vụ Bảo tồn-Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Ty Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa đã tổ chức khai quật mộ và mang chiếc quan tài nguyên vẹn làm bằng gỗ Ngọc Am (Pơ mu) về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Ngày 2 tháng 4 năm 1964, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với các giáo sư, bác sĩ của Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Giải phẫu tổ chức mở nắp quan tài trước sự chứng kiến của thủ tướng Phạm Văn Đồng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Ủy ban khoa học nhà nước, Viện Sử học Việt Nam.

Cấu trúc

Quan tài có hai đáy, giữa có một lớp gạo rang dày 10 cm, đáy trên lớp gạo rang có một tấm ván mỏng trổ 7 lỗ tròn theo hình Thất tinh. Sau tấm chăn bông vỏ gấm, thi hài được liệm bởi nhiều lớp quần áo, vải liệm, gồm: 8 lớp đại liệm bằng gấm thêu hoa bạc kích thước 1,5mx5m, buộc bằng 5 đai lụa; tấm tiểu liệm bằng gấm may kép 2 lần vải; áo Hoàng bào kim tuyến thêu một con rồng lớn phía trước, phía sau và tay áo thêu nhiều rồng nhỏ; 2 áo long bào thêu rồng kim tuyến; 3 bộ vóc vàng may kép đính vào nhau thành một bộ; 3 lớp lụa kép; 3 chiếc quần bằng lụa mỏng, khố bằng vải mỏng. Tay chân của thi hài được đi tất lụa, chân có giày gấm thêu, lót một lớp da thuộc mỏng, trên đầu gối một chiếc gối bông, hai tai được nút bằng 2 viên bông bọc lụa, mặt phủ một tấm khăn bằng vải gấm có thêu rồng cùng một chữ Thọ ở giữa và 4 chữ Vạn của nhà Phật ở 4 góc.

Ngoài ra trong quan tài còn có sách, bút lông, túi đựng móng tay, răng rụng, quạt giấy, túi đựng cau trầu, một hộp hình quả cau bên trong đựng thứ bột màu trắng... Khi giở tấm khăn phủ mặt, các nhà khảo cổ hết sức ngỡ ngàng khi thấy da mặt của thi hài còn màu xám nhạt, sau vài phút thì ngả màu xám đều như toàn thân. Thi hài có teo nhưng chưa khô, tay chân thân thể vẫn còn mềm mại, các khớp có thể cử động được. Môi của thi hài bị teo để lộ một hàm răng đen đã rụng một vài chiếc, cằm có chòm râu đen đã điểm bạc...

Ý nghĩa

Từ những cứ liệu sử học, cùng với việc xác định các đồ tùy táng, thi hài, các nhà sử học đã khẳng định đây chính là thi hài của vua Lê Dụ Tông. Đây cũng là ngôi "mộ hợp chất" được đánh giá là to nhất, có tư liệu tốt nhất trong số những ngôi "mộ hợp chất" đã được phát hiện ở Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có được những y phục của một đế vương thời Lê

Với táng thức đặc biệt, ngôi mộ này cùng với đồ tùy táng được bảo quản rất tốt. Những di vật này và bản thân di hài vua Lê Dụ Tông là tư liệu rất quý đối với nhiều ngành nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khảo cổ và nhân trắc học.

Hoàn táng

Từ năm 1964 đến nay, di hài vua Lê Dụ Tông được bảo quản trong kho có môi trường ổn định, phù hợp với điều kiện bảo quản hiện vật hữu cơ, nên vẫn được giữ ở tình trạng tốt.

Từ năm 1996, con cháu họ Lê đã có đề nghị Bộ Văn hóa-Thông tin cho phép đưa di hài nhà vua về hoàn táng tại Thanh Hóa. Nhưng vì nhiều lý do, tâm nguyện này chưa được thực hiện. Tháng 10 năm 2006, Hội đồng họ Lê tiếp tục có văn bản đề nghị với Bộ Văn hóa - Thông tin. Được sự nhất trí của Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, di hài của vua Lê Dụ Tông được đưa về hoàn táng tại Thanh Hóa.

Đúng 1 giờ sáng ngày 25 tháng 1 năm 2010 (tức 11 tháng 12 năm Kỷ Sửu), lễ nhập quan và tổ chức đưa di hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng họ Lê Việt Nam và các đơn vị liên quan thực hiện.

Qua nhiều trao đổi giữa Hội đồng họ Lê Việt Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch và sự góp ý của nhiều nhà khoa học, địa điểm hoàn táng được thực hiện tại đúng huyệt đạo đã đặt mộ vua ngày trước tại làng Bái Trạch.

Riêng quan tài và các vật tùy táng đã được liệm theo vua ngày xưa, do khi khai quật lên ngày trước đã có phần hư hỏng, tiếp xúc với không khí trong vài chục năm không thể còn nguyên vẹn, nên dòng họ Lê thống nhất các hiện vật gốc sẽ được lưu giữ thành cổ vật tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam về một vị hoàng đế.

Quan tài mới được làm bằng đúng gỗ Ngọc Am, theo đúng kích thước hoa văn cũ, nặng tới 700 kg, 32 bộ áo được may mới theo đúng màu sắc, hoa văn cũ, tuy nhiên không giống được y nguyên như long bào của Vua ngày xưa (vì rất tốn kém).

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cùng Hội đồng họ Lê Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng con đường rải nhựa dài khoảng 600m dẫn từ đường chính vào khu hoàn táng. Toàn bộ khu khuôn viên hoàn táng rộng hơn 5000m2 và sẽ được quy hoạch thành khu lăng mộ Vua trong tương lai4 .

Hành trình đưa di hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại Thanh Hóa xuất phát từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam theo đường Láng-Hòa Lạc-đường Hồ Chí Minh vào Lam Kinh dừng lại mươi phút để làm lễ Yết cáo tổ tiên. Tại làng Bái Trạch, ban tổ chức làm lễ hạ huyệt và lấp mộ. Lễ hoàn táng kết thúc vào 11 giờ ngày 25 tháng 1 năm 2010.

Tham khảo

  1. ^ Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, quyển 2 (tập 1, trang 175)
  2. ^ Tên thật là Trịnh Thị Ngọc Phúc, con gái Đề quận công Trịnh Lan, về thế thứ là cô ruột của Trịnh Cương
  3. ^ Cương mục, chính biên quyển 37
  4. ^ Theo báo Quân đội nhân dân, số 17521, ngày 25-1-2010, trang 5

(Nguồn: Wikipedia)